Các chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm đều đạt và vượt

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tìm kiếm việc làm. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 84.446 lao động, đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 78.500 lao động trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, lao động là dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường công tác hướng nghiệp trong học sinh, nhờ đó xu thế học sinh lựa chọn học nghề ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trên địa bàn tỉnh có hơn 45.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Các lao động sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Đồng chí Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho biết, mỗi năm trường đào tạo nghề cho trên 1.700 học viên, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 85%. Tính từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp đào tạo từ đầu, đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng trăm lao động, công nhân các công ty trên địa bàn tỉnh. Việc liên kết trong đào tạo đã giúp tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho NLĐ về mọi mặt. Hầu hết các học viên học xong đều đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng và được bố trí việc làm ngay với mức lương ổn định. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận hướng dẫn nghề May tận tình cho học viên. Ảnh: Văn Nỷ

Hiện nay, toàn tỉnh có 19 cơ sở đào tạo nghề, đào tạo cho khoảng 9.000 lao động mỗi năm với xu hướng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, hoạt động liên kết với các doanh nghiệp được đẩy mạnh để tăng cơ hội có việc làm ngay cho học viên sau khi ra trường. Các cơ sở đào tạo nghề đã từng bước đổi mới phương pháp dạy học gắn lý thuyết với thực hành, đảm bảo học viên sau khi đào tạo đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại tỉnh được quan tâm. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đều phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương. Tại Trung tâm, đều đặn 2 lần/tháng đều tổ chức các Sàn giao dịch việc làm thu hút lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Anh Lương Thanh Tâm, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ, thông qua Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, anh nắm được thông tin Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hưng Phúc tuyển dụng lao động và nộp hồ sơ xin vào đây làm việc, hiện nay có mức thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 8 đến 10 triệu đồng.

Qua từng năm, tỷ lệ lao động đi xuất khẩu nước ngoài ngày càng tăng đã chứng tỏ uy tín và chất lượng của nguồn lao động trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đưa 786 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt 119% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Tiếp tục nâng cao chất lượng lao động

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngành đã đề ra một số giải pháp, như: Tiếp tục đảm bảo giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thông minh, linh hoạt, hỗ trợ tích cực tìm việc làm cho NLĐ với kết nối cung - cầu lao động. Tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng, huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo chuyển biến mới trong giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động và các ngành trọng điểm của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn của tỉnh; thực hiện hiệu quả các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH và gắn với tạo việc làm cho NLĐ; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm trong các ngành trụ cột của tỉnh phục vụ cho phát triển năng lượng sạch, du lịch, phát triển kinh tế biển. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; tiếp cận, dạy nghề, thực hành trên dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp; cam kết với các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm đầu ra của học nghề, cam kết nhận lao động học nghề làm việc tại doanh nghiệp để NLĐ an tâm sau khi học nghề sẽ có việc làm ổn định, sản phẩm làm ra sẽ có nơi tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy KT-XH trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.