Máy phát hiện ngưng thở lúc ngủ

Chỉ với 1 triệu đồng là chi phí cho việc lắp đặt, hoàn thiện chiếc máy SASD07 phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ, đây là sản phẩm của bác sỹ Hoàng Anh Tiến thuộc Trường Đại học Y dược Huế.

Bác sỹ Hoàng Anh Tiến và sản phẩm máy phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ

Máy phát hiện và ghi lại toàn bộ những dấu hiệu ngưng thở của bệnh nhân của Bác sỹ Hoàng Anh Tiến và cộng sự

Chỉ với 1 triệu đồng là chi phí cho việc lắp đặt, hoàn thiện chiếc máy SASD07 phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ, đây là sản phẩm của bác sỹ Hoàng Anh Tiến thuộc Trường Đại học Y dược Huế.

Để phát hiện hội chứng này, các nước tiên tiến đã có máy đa miên ký để đo nhịp thở với độ chính xác cao, tuy nhiên, nhược điểm của máy là chi phí rất đắt (khoảng 10.000 USD) và rất khó vận chuyển.

Chính vì thế, bác sỹ Hoàng Anh Tiến cùng các cộng sự đã phát huy những kiến thức về y học, phần mềm máy tính và vi mạch điện tử để cho ra đời máy phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ với tên gọi tắt là SASD07.

Khởi đầu, đây chỉ là một máy ghi âm kết hợp ống nghe với một vài chức năng đơn giản. Về sau, cùng với sự hỗ trợ của 2 giảng viên Nguyễn Quang Hưng và Nguyễn Văn Ân, Trường Đại học Khoa học Huế, máy SASD07 thế hệ mới có thể điều chỉnh âm thanh ghi nhận sau đó giải mã qua một phần mềm gọi là RRA 3.0 để có thể phát hiện và ghi lại toàn bộ những dấu hiệu ngưng thở của bệnh nhân.

Theo đánh giá của các bác sỹ chuyên ngành nội tim mạch, máy phát hiện hội chứng ngưng thở SASD07 có giá trị rất lớn trong việc theo dõi và điều trị hội chứng này cũng như các căn bệnh liên quan. Đa số bệnh nhân có hội chứng ngưng thở lúc ngủ thường có bệnh lý béo phì, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Hiện 30 máy được sử dụng và hoạt động hiệu quả tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế.

Bác sỹ Hoàng Anh Tiến tốt nghiệp Đại học Y dược Huế năm 2004, hiện là cán bộ Bộ môn Nội - Đại học Y dược Huế. Đề tài "Kết hợp máy ghi âm và ống nghe để phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ" của anh đã đoạt giải sáng tạo kỹ thuật do Trường Đại học Y dược Huế tổ chức.

Những năm tiếp theo đó, đề tài này đã liên tiếp đoạt các giải thưởng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia sau những cải tiến để hoàn thiện máy đưa vào sử dụng như hiện nay.

(Nguồn Báo điện tử Đài TNVN)