Qua 5 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là 93.607,785 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền (ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao). Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. Hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm, Thủ tướng nêu ra nhiều vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh: Cần tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả, ưu tiên nguồn lực nhà nước xây dựng các chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người nghèo. Giảm nghèo bền vững cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi thôn, bản cần xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa; các gia đình, địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn hỗ trợ các địa phương, gia đình khó khăn hơn. Tạo điều kiện cho người dân năng động, chủ động hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn. Truyền thông nên tôn vinh, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những tấm gương xuất sắc, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo… Song song đó, lưu ý tới hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí.
Xuân Nguyên