Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phiên họp đã thông qua các quyết định về thủ tục, ngân sách, nhân sự của hội nghị và vấn đề nhân sự, chế độ làm việc một số cơ quan được thành lập theo công ước.
Tại đây, Việt Nam khẳng định các nước cần tăng cường hợp tác quốc tế và có cách tiếp cận tổng thể, đa ngành trong giải quyết các thách thức đối với môi trường đại dương và biển toàn cầu.
Gần 30 nước đã tham gia thảo luận về Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ, nêu bật các thách thức đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, như các hoạt động kinh tế thiếu bền vững, nạn ô nhiễm môi trường biển, vấn đề mực nước biển dâng, hoạt động khai thác cá trái phép, không được điều chỉnh và không được báo cáo. Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở công ước, tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên trong thực hiện công ước và thúc đẩy xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế ràng buộc về đa dạng sinh học ngoài vùng quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Các nước cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban Điều hành trong việc triển khai các công việc của hội nghị trong bối cảnh các thách thức do đại dịch COVID-19 đặt ra.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khẳng định tính toàn diện, thống nhất và nhất quán của Công ước UNCLOS 1982 là khuôn khổ điều chỉnh tất cả các hoạt động sử dụng đại dương và biển, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam như được nêu tại phiên thảo luận toàn thể tại Đại Hội đồng LHQ ngày 8/12 vừa qua, nhấn mạnh mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đại sứ bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với UNCLOS 1982.
Hội nghị được chính thức khai mạc kể từ ngày 6/7/2020. Do các biện pháp hạn chế đi lại, tránh lây lan dịch COVID-19 của thành phố New York và của LHQ, hội nghị được tổ chức kết hợp dưới nhiều hình thức, bao gồm gửi ý kiến và phản hồi bằng văn bản, họp tham vấn trực tuyến và họp trực tiếp. Hội nghị đã có hai cuộc họp trực tiếp nhằm bầu cử thẩm phán Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS), thông qua các quyết định đã được các nước nhất trí bằng thủ tục im lặng và thảo luận về Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về đại dương và luật biển.
Phiên họp toàn thể ngày 9/12 diễn ra trong bối cảnh số ca COVID-19 đang tăng cao tại New York và Mỹ, đại diện nhiều phái đoàn thường trực tại LHQ không thể có mặt và cuộc họp chỉ đạt đủ số thành viên tối thiểu để triệu tập họp và thông qua quyết định (tối thiểu 112 nước).
Theo TTXVN/Báo Tin tức