Tại phiên thảo luận tổ có 23 đại biểu tham gia thảo luận với 25 lượt ý kiến. Các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo do UBND tỉnh trình tại kỳ họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH của tỉnh trong năm 2020 và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021. Bên cạnh đó, một số đại biểu nêu ý kiến cần rà soát lại số liệu về tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2020 để đối khớp với số liệu của Tổng Cục Thống kê; cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các sở, ngành liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt thấp; cần đánh giá lại chất lượng rừng hiện nay; cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực… Cần xem xét mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư đối với dự án động lực như dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại hội trường.
Trong đầu tư phát triển, đề nghị bổ sung chủ trương đầu tư các dự án thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm, dự án nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống tưới, tiêu phục vụ sản xuất cho Nhân dân, hệ thống thoát nước trong khu dân cư… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng thảo luận sâu kỹ về sự cần thiết, cơ sở ban hành và tính khả thi của các tờ trình, đề án trình tại kỳ họp lần này. Một số đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện những công trình, dự án liên quan đến đất rừng và đất người dân, phải bảo đảm chính sách đền bù khi thu hồi đất, tạo sự đồng thuận của người dân địa phương.
* Buổi chiều, các đại biểu họp phiên thảo luận, chất vấn tại hội trường dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Bình, Phan Tấn Cảnh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Bình, Phan Tấn Cảnh dự phiên thảo luận tại hội trường.
Trong không khí dân chủ, cởi mở, các đại biểu HĐND tỉnh tập tiếp tục tập trung thảo luận nguyên nhân, kết quả, những mặt được và chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH của tỉnh năm 2020; đề đạc giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH năm 2021; đồng thời nêu lên những vấn đề quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu đề cập sự không thống nhất trong đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta năm 2020; cụ thể, theo tính toán của tỉnh là 12,17% nhưng Tổng Cục Thống kê lại đưa ra con số 9,58%; đồng thời cần làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2021 là từ 10-11% mà không phải trên 12% như năm nay; nguyên nhân vì sao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020 chậm và không đạt kế hoạch đề ra mặc dù tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp?
Quan tâm đến lĩnh vực đời sống Nhân dân, đại biểu Bá Bình Yên, Pi-năng Thị Hốn nêu ý kiến cần quan tâm phát triển đời sống kinh tế người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt và vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đại biểu Thái Văn Lai phản ánh sự lo lắng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh về nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài của dịch bệnh COVID-19, đồng thời bày tỏ quan ngại liệu dịch COVID-19 có quay lại trên địa bàn tỉnh ta hay không? Do đó đề nghị trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 hiện nay, tỉnh cần tăng cường công tác quản lý người nhập cảnh, kiểm danh kiểm diện người từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc với người trong vùng dịch trở về… để bảo đảm không có sự sai sót trong khâu phòng, chống dịch. Bên cạnh đó quan tâm bổ sung cơ sở, điều kiện cần thiết cho các đơn vị y tế, lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch …
Quan tâm lĩnh vực giáo dục, đại biểu Thái Văn Lai cũng nêu vấn nạn học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; đồng thời kiến nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2021 tỉnh ta có trên 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, trong khi kết thúc năm học 2019-2020, số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chỉ mới đạt 47,39%. Nếu tăng lên 80% thì điều kiện phòng học như thế nào? Số lượng giáo viên có đáp ứng đủ chất lượng không?
Đại biểu Tô Ngọc Phương đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính, bổ sung biên chế cho các cơ quan, đơn vị gắn với vị trí việc làm; có giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan chuyên môn, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng hiệu quả, hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận quan tâm chủ trương đầu tư liên quan đến diện tích rừng; đại biểu đặt vấn đề có thật sự cần thiết phải mở tuyến đường Tà Nôi đi Tà Năng hay không? Vì theo đại biểu, đây là tuyến đường khó khai thác, ước dài 40km, thu hồi diện tích rừng lớn; người dân đi lại ít, thêm vào đó khi mở tuyến đường này mà công tác quản lý rừng nếu không bảo đảm thì vô hình chung tạo điều kiện cho “lâm tặc” đi lại. Do đó, theo đại biểu cần xem xét lại tuyến đường này có cần thiết không?
Giải trình nhóm ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh năm 2020 và dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2021, đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân chỉ số tốc độ tăng trưởng nên kinh tế của tỉnh không thống nhất với thông báo Tổng Cục Thống kê đưa ra là do phương pháp tính toán khác nhau. Tuy nhiên, cách tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư là có cơ sở, hiện ngành đang tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Tổng Cục Thống kê rà soát lại.
Về đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng 10-11% cho năm 2021, đồng chí Lê Kim Hoàng đưa ra cơ sở: Trong năm 2021, giá trị sản lượng ngành năng lượng sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh nhờ một số công trình, dự án lớn đã có kế hoạch khởi công; thêm vào đó sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cũng hứa hẹn đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh. Về giải ngân các nguồn vốn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình trước đại biểu và cử tri những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động đến tiến độ giải ngân trong năm qua. Trong đó nổi lên nguyên nhân cơ bản là do một số dự án vướng khâu giải phóng mặt bằng, vướng đất chưa chuyển đổi mục đích; chậm khâu thủ tục; nguồn cân đối một số dự án chưa được bố trí. Dự kiến đến 31-1-2021 vốn trong nước đạt 90%, số còn lại chuyển sang giải ngân trong năm 2021; vốn nước ngoài 40,8%; còn lại gần 60% nguồn vốn kiến nghị Chính phủ cho chủ trương chuyển sang năm 2021.
Trước băn khoăn của đại biểu và cử tri về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế thông tin về kết quả kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh thời gian qua, nhiệm vụ cũng như giải pháp mà ngành Y tế đang triển khai quyết liệt hiện nay. Đó là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp liên ngành để theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng; nâng cao năng lực xét nghiệm và phát hiện ca bệnh dương tính COVID-19; tăng cường cơ sở vật chất cho công tác điều trị, chăm sóc, cách ly. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ việc khai báo y tế và thực hiện giám sát ngay từ cơ sở.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng giải trình trước đại biểu và cử tri vì sao ngành đề ra chỉ tiêu có trên 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Đồng chí Khải cho biết: Theo mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là đến năm 2025 có 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phân lộ trình từng năm học để có cơ sở và quyết tâm thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên thảo luận.
Trước mắt trong năm học 2020-2021, Sở đã xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất phòng học để đáp ứng yêu cầu tổ chức cho trên 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Về tỷ lệ học sinh tỉnh ta bỏ học cao so với mặt bằng chung cả nước, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nguyên nhân do số học sinh bỏ học là học lực yếu không thể tiếp tục học nữa; một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học để làm ăn xa; phần nữa là do nhiều điểm trường xa nơi ở, điều kiện đi lại khó khăn nhưng không đủ điều kiện để thành lập điểm trường bán trú… Giải pháp thời gian tới của ngành là tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém nhưng không thu học phí; học sinh có dấu hiệu bỏ học, nhà trường phối hợp phụ huynh và địa phương tìm biện pháp hỗ trợ để các em yên tâm đến trường; bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý học sinh, quản lý lớp và nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh các ý kiến của đại biểu, để làm rõ hơn báo cáo tình hình phát triển KT-XH của tỉnh năm 2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021; lãnh đạo các ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nội vụ cũng có giải trình trước đại biểu và cử tri trong tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường.
Kết luận phiên thảo luận, thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu đã tích cực thảo luận, góp ý sâu sắc các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển KT-XH địa phương, cơ bản đáp ứng kỳ vọng của cư tri, Nhân dân quan tâm. Đồng chí đề nghị các cấp chính quyền, sở, ban ngành tăng cường công tác dự báo, đánh giá sát đúng tình hình thực tiễn địa phương để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai thực hiện thắng lợi chính trị được giao.
Diễm My