Sửa đổi các quy định không phù hợp
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên chị Nguyễn Thị Hà Duyên, ngụ ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh) đã chuyển từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng qua các trang TMĐT. Chị Duyên cho biết: "Các mặt hàng bán trên TMĐT rất đa dạng và phong phú, từ bình dân đến cao cấp, đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, hàng hoá còn được giao nhận tận nơi, tiết kiệm chi phí, tránh được rủi ro khi tiếp xúc chỗ đông người. Tuy nhiên không phải mặt hàng nào mua online cũng đúng chất lượng, kiểu dáng như những lời quảng cáo".
Chị Nguyễn Thị Hà Duyên đã chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trên các sàn TMĐT để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh.
Theo chị Duyên, ngày Black Friday vừa qua chị đã một đôi dày Adidas với giá 1,5 triệu chính hãng, đây là giá khuyến mại trên 50%. Sau khi đặt hàng 2-3 ngày, chị nhận được hàng chuyển đến tận nơi. Tuy nhiên, khi mở hộp giày thì phát hiện đây là hàng nhái bán đầy trên thị trường với giá rất rẻ, chất lượng kém.
Theo đại diện Bộ Công thương, hiện nay cơ chế hoạt động của các sàn TMÐT chỉ nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng TMÐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các sàn TMĐT. Một số khác thì thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin nên lợi dụng để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác minh thông tin, chứng cứ vi phạm để kịp thời xử lý.
Vì vậy, để siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên các sàn TMĐT, Bộ Công Thương đã và đang lấy ý kiến sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện cho TMĐT phát triển và siết chặt một số quy định không phù hợp trong Nghị định này.
Cụ thể, Bộ Công thương đã lấy ý kiến góp ý sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 của Nghị định 52 theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.
Nhiều biện pháp phòng vệ
Trong khi đó, để bảo vệ chính mình khi bán hàng trên các sàn TMĐT, nhiều doanh nghiệp có những trang TMĐT đã xây dựng nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau. Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki, cho biết một trong những thử thách của TMĐT tại Việt Nam hiện nay chính là niềm tin của khách hàng chưa cao. Chính vì vậy, để siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn TMĐT, đồng thời tạo môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, ngoài sự chủ động của sàn TMĐT và doanh nghiệp, vẫn rất cần sự chung tay của người dùng trong phản hồi, thông tin về những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đạt chất lượng để cơ quan quản lý có cơ sở xử lý kịp thời.
Mua sắm hàng hóa trực tiếp giúp kiểm tra chất lượng hàng hóa chặt chẽ nhưng lại tốn thời gian của khách hàng.
“Hiện nay, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Tiki cho biết đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn Tiki. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng", ông Nguyễn Chí Thọ nói thêm.
Tương tự, đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình “Giải quyết khiếu nại quyền sở hữu trí tuệ” và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh, loại bỏ hàng giả/hàng nhái theo trình tự pháp luật. Ngoài ra, trung bình một tháng/một lần, đơn vị sàng lọc, kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm mới được đăng bán và sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Sắp tới, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền… Shopee còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt là áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ - tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop. Theo đó, Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee, hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày.
Theo các sàn TMĐT, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Trường hợp khách hàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần phản hồi lại với các sàn TMĐT để có sự hỗ trợ, đền bù cho thỏa đáng với quyền lợi của khách hàng.
Theo thống kê của Sách trắng TMÐT 2020, số người Việt Nam tham gia mua sắm online năm 2019 đã cán mốc 44,8 triệu người. Doanh thu bán lẻ TMÐT năm 2019 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 2,5 lần so mức 4 tỷ USD năm 2015, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự đoán tốc độ tăng trưởng của TMÐT Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô sẽ vượt 15 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển TMÐT với tốc độ tăng trưởng thuộc tốp 3 trong khu vực Ðông Nam Á.
Theo TTXVN/Báo Tin tức