Nguyên nhân của bạo lực học đường
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của bạo lực học đường trước hết xuất phát từ chính bản thân học sinh: Học sinh cấp THCS, THPT (từ 12 đến 17 tuổi) có sự chuyển biến về mặt tâm lý của bản thân, giai đoạn này hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân quá cao (mà không biết sử dụng đúng cách), trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau tại trường học hay cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Nguyên nhân bạo lực học đường cũng có một phần do giáo dục từ phía nhà trường: Môn Giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Bộ phận phụ trách tư vấn học đường ở các nhà trường đã được thành lập (từ năm học 2018-2019) nhưng chưa phát huy được hiệu quả, trong khi đó nhu cầu trợ giúp và tham vấn về tâm lý ở trường học hiện nay là rất lớn.
Từ góc độ gia đình, phụ huynh ít quan tâm tới con cái, hoặc phụ huynh bị stress và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình, những vụ bạo hành gia đình như vậy cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Học sinh trong độ tuổi 12-17 tuổi là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách, chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường.
Đối với xã hội: Hiện nay học sinh tiếp xúc dễ dàng với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực ….
Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường?
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần có những giải pháp thiết thực, hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Trong lớp, cần tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử. Với nhà trường, cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực.
Nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường. Đặc biệt, trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi. Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái, tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hưởng thụ.
Ngoài ra, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể hay lực lượng công an cũng cần đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, nêu cao ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm, phối hợp cùng với nhà trường và gia đình đẩy lùi bạo lực học đường.
Lê Thế Kỷ