Cụ thể, tại các huyện: Hương Thủy, Phú Lộc, Phong Điền (Thừa Thiên-Huế); Núi Thành, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An (Quảng Nam); Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngã (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (Bình Định); Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên); Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh, thành phố Cam Ranh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc (Ninh Thuận); Đăk Glei, Konplong, Kon Rẫy (Kon Tum); Ia Pa, Kbang, An Khê (Gia Lai); M’Đrăk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông (Đắk Lắk); Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Nước lũ đổ về sông Cái (Khánh Hòa) vào sáng 30/11/2020. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn và sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền bởi an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hòa với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (xác định vùng nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Quản lý, sử dụng đất: Quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao; đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây thì cần được quy hoạch lại, chính quyền cần lập kế hoạch tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 1/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên Bắc Bộ và Thanh Hóa trời tiếp tục rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi 14-17 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C. Khu vực Hà Nội, không mưa. Trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17-19 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động yếu dần nên ngày 1/12, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm/12 giờ, có nơi trên 80mm/12 giờ; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và từ Bình Định đến Khánh Hòa, có mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/12 giờ, có nơi trên 50mm/12 giờ. Từ đêm 1/2, mưa có xu hướng giảm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Dự báo, chiều và đêm 1/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,5m. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 3,0-4,0m. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau từ đêm 1/12 có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 3-6 độ Vĩ Bắc nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo TTXVN/Báo Tin tức