Thiệt hại ban đầu: UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế hồ chứa nước như Tân Giang, Bà Râu… và các địa điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng, khu vực bị chia cắt và có phương án để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; cắt cử lực lượng xung kích ứng trực, treo biển báo trên các tuyến đường giao thông, các cầu tràn qua các tuyến giao thông có nước băng qua, không cho phương tiện lưu thông, thông báo cho nhân dân không lưu thông qua tràn bị ngập nước lớn; không chăn thả gia súc khu vực ven suối, di dời lên khu vực cao.
Qua thống kê nhanh đến 6h ngày 30-11, tại Thuận Bắc mưa lũ gây ngập lụt cục bộ 142 căn nhà tại xã Bắc Phong; tại Thuận Nam 270 căn, trong đó: xã Phước Nam 160 căn, Cà Ná 60 căn, Phước Dinh 50 căn; Bác Ái một số nhà dân khu vực trung tâm thôn Trà Co 2 ngập cục bộ do không có hệ thống thoát nước, nước tù đọng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Các địa phương cũng đã chủ động di dời một số hộ dân do ảnh hưởng mưa lũ. Huyện Ninh Hải đã tổ chức di dời 130 hộ/453 khẩu các khu dân cư ven suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực trũng thấp thuộc địa bàn các xã Tân Hải, Xuân Hải, Hộ Hải; Thuận Nam di dời, sơ tán 166 hộ/664 khẩu đến nơi an toàn hộ ven sông, suối, hạ lưu hồ có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu.
Thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam) bị ngập do mưa lũ.
Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng giao thông. Cụ thể, tuyến đường ven biển đoạn từ Ngã tư Từ Thiện đến ngã tư Văn Lâm-Sơn Hải có ba đoạn đất cát tràn ra đường với chiều dài mỗi đoạn khoảng 200 mét, làm ảnh hưởng đến giao thông; tuyến đường liên thôn Sơn Hải - Vĩnh Trường (tại bờ tràn thôn Vĩnh Trường) đã bị sạt lỡ hoàn toàn với chiều dài khoảng 30 mét; tuyến đường liên thôn Vĩnh Trường-Từ Thiện (tại khu vực đìa nhà ông Lê Đắt Thắng) sạt lở hoàn toàn với chiều dài khoảng 25 mét. Tại Ninh Hải, tuyến đường ven biển Vĩnh Hy-Bình Tiên (khu vực gần Bãi Kình, xã Vĩnh Hải) bị sạt lở, hiện nay đã được các ngành, địa phương khắc phục. Về thủy lợi, tại Bác Ái hệ thống nước Phước Thành bị bồi lấp ống cấp tại điểm lấy nước đầu nguồn Suối Lạnh; huyện Ninh Sơn tuyến kênh TM 10 đang thi công bị sạt lở đất của dân khoảng 1.500m2; Ninh Hải kênh mương cấp 1 từ hồ Ông Kinh về ao Bầu Tró bị sập 35m (xã Vĩnh Hải), đoạn kênh cấp 1 gần N15 sập 20m, đoạn gần kênh N13 sập 15m…
Về cây trồng, vật nuôi huyện Ninh Hải 69ha lúa và 3ha bị ngập; Thuận Nam có 381,1 ha lúa và 2,5ha hoa màu bị ngập; Thuận Bắc 290ha lúa bị ngập; Phan Rang-Tháp Chàm 23 ha lúa và 225 ha nho, táo, hoa màu bị ngập; Ninh Sơn 40ha lúa và 10ha bắp đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch lúa; Ninh Phước hiện một số vùng sản xuất ở các địa phương đang ngập nước nên chưa thống kê, ước tính được thiệt hại…
Chủ động ứng phó: Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh (ngày 30-11), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên ở Ninh Thuận có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa trong 24 giờ qua đã có mưa phổ biến từ 130-250mm, riêng khu vực phía Bắc tỉnh các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc có mưa từ 220-320mm. Trong 12 giờ tới do tiếp tục ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông. Thời tiết tỉnh tiếp có mưa vừa, mưa to, phía Bắc và Tây của tỉnh có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 12 giờ tới, ven biển phía Nam từ 40 đến 60mm; Vùng núi các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái, khu vực ven biển phía Bắc tỉnh có mưa phổ biến từ 50 đến 80mm, riêng khu vực giáp tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa có nơi cao hơn. Trong khi đó, tính đến 06h00 ngày 30-11-2020, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 133,85 triệu m3/194,49 triệu m3, đạt 68,82% (trừ các Hồ Sông Sắt, Sông Trâu, Sông Biêu, Ông Kinh, Lanh Ra nước còn thấp) các hồ còn lại đều tiến hành xả lũ.
Tràn Hà dài, xã Ma Nới (Ninh Sơn) nước ngập lụt tràn qua ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trước diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó mưa lũ có hiệu quả, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Công văn số 4250/UBND-KTTH ngày 29-11-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó, khắc phục các sự cố do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh và Công điện số 4251/CĐ-UBND ngày 29-11-2020 về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó mưa, lũ trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các khu đân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, trong đó chú ý kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp có thể phải sơ tán dài ngày. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trồng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình tình, điều kiện cụ thể tại địa phương. Tăng cường thông tin và phố biển, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các kỹ năng để chủ động ứng phó, phòng tránh với tình hình mưa lũ lớn, ngập sâu kéo dài. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yếu cầu. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức trực bạn 24/24h, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhật thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn.
Các Sở, ngành và địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ để có dự báo và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng, tránh. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các huyện, thành phố rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực bị chia cắt, lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trực giao thông chính và đảm bảo an toàn trong tình huống mưa, lũ lớn.
Xuân Bính