Xã Mỹ Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng của huyện Ninh Sơn, sáng 30-11, tranh thủ thời điểm trời ngớt mưa, người dân thôn Mỹ Hiệp, Phú Thạnh, Phú Thủy đã ra đồng tháo nước ruộng bắp bị ngập úng và dựng lại một số diện tích lúa đã bị ngã đổ. Tại một số khu vực trũng thấp ở thôn Mỹ Hiệp, người dân đã di chuyển đàn gia súc lên khu vực cao ráo để đảm bảo an toàn, giảm bớt rủi ro, thiệt hại. Bà Võ Thị Hòa, ở thôn Phú Thạnh, cho biết: Do nước từ suối đổ về cộng với lượng mưa quá lớn đã gây ngập úng hơn 1 ha bắp giống vừa mới gieo hạt của gia đình, ước thiệt hại khoảng 3 triệu đồng. Hiện gia đình đang tiến hành tháo nước, đồng thời báo thiệt hại lên hợp tác xã để được hỗ trợ giống bổ sung, kịp triển khai cánh đồng mẫu theo đúng lịch thời vụ. Cách đó không xa, bà Bo Thị Huệ, ở thôn Mỹ Hiệp cũng đã chủ động đưa đàn bò của gia đình từ khu chuồng trại bị ngập úng lên khu vực gò cao để chăm sóc. Bà Huệ cho biết: Nước từ hồ Phước Trung đổ về băng qua suối Mỹ Hiệp tràn vào đồng làm ngập úng và ngã đổ hơn 2 sào lúa của gia đình. Nhiều diện tích của người dân cạnh đó cũng bị thiệt hại nặng. Nếu trời tiếp tục mưa thì toàn bộ diện tích lúa phải bỏ, không cho thu hoạch.
Người dân thôn Mỹ Hiệp (Mỹ Sơn) tranh thủ dựng lại diện tích lúa bị ngã đổ sau mưa lũ.
Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Sơn, mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm tuyến kênh TM10 (thuộc hệ thống kênh Tân Mỹ) đang thi công bị hỏng, gây sạt lở khoảng 1.500 m3 đất nông nghiệp. Nước cũng gây ngập úng và làm ngã đổ hơn 40 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch; gây thiệt hại hoàn toàn 10 ha bắp vừa mới xuống giống của người dân.
Qua theo dõi tại Trạm quan trắc Tân Mỹ, mực nước sông Dinh đang lên nhanh, có thời điểm đạt đỉnh ở mức 37,82 m, mức trên báo động 3 là 0,32 m. Trong khi đó các hồ chứa Phước Trung, Cho Mo đều đã đầy đang xả tràn tự do. Lượng nước tại hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) cũng đã vượt dung tích chứa gần 5 triệu m3. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Với tình hình thời tiết như hiện nay và lượng nước tại các hồ chứa đã đầy, nguy cơ ngập ở vùng trũng sẽ tiếp tục tăng lên. Trước tình hình mưa lũ phức tạp, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, UBND huyện Ninh Sơn đã tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ từ trưa 29-11 cho đến kết thúc đợt mưa lũ; đồng thời, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở để chỉ đạo phương án ứng phó, có phương án di dời dân đến khu vực an toàn.
Trong khi đó tại huyện miền núi Bác Ái, một số khu vực xung yếu đã xảy ra tình trạng ngập lụt và sạt lở đất, nước đất tràn qua 6 cầu tràn tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, tại cống tràn Phước Trung-Mỹ Sơn, cầu tràn suối Rua đi Ma Lâm, cầu tràn giáp ranh giữa Phước Chính-Phước Trung, cầu tràn Tà Lú 3-Núi Rây, cầu Gia Nhông đều bị ngập, có nơi nước chảy xiết không thể đi lại. Tại km 24 + 50 Tỉnh lộ 707 đường Phước Hòa-Phước Bình đã tái diễn tình trạng xói lở hầm ếch giữa lòng đường, gây khó khăn trong việc lưu thông lên xã vùng cao Phước Bình. Hệ thống lấy nước đầu nguồn Suối Lạnh, xã Phước Thành đã bị bồi lấp; một số hộ dân ở thôn Trà Co 2 cũng bị ngập cục bộ do không có hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND huyện Bác Ái đã chỉ đạo UBND các xã theo dõi chặt chẽ thông qua nhóm Zalo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện; chú trọng phòng ngừa sự cố do mưa lớn gây lũ quét và sạt lở ở các khu vực trọng yếu, tổ chức các lực lượng xung kích ứng trực, cảnh báo tại các tuyến đường có sạt lở, không cho phương tiện lưu thông qua các cầu tràn nước chảy xiết; di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực ven suối và tuyên truyền người dân không tự ý băng qua suối từ rẫy về nhà.
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện Bác Ái đã chỉ đạo các xã tiếp tục kiểm tra, rà soát các các khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có phương án sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động cảnh báo lũ và khắc phục sự cố mưa lũ khi thời tiết tạnh ráo để đảm bảo người dân sớm ổn định sinh hoạt và sản xuất.
Anh Tuấn