Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, kinh tế số đã được xác định là 1 trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số doanh nghiệp cũng là một hướng quan trọng để xây dựng kinh tế số. Những tác vụ lặp đi lặp lại nhiều lần, như lấy thông tin từ hệ thống thư điện tử (email), điền vào một phần mềm khác (như thống kê, kế toán, bán hàng…) chiếm khối lượng rất lớn, đòi hỏi độ chính xác cao, yêu cầu nhân lực có kỹ năng và tốn nhiều thời gian. Do đó, khi áp dụng quy trình tự động hóa vào những tác vụ này sẽ mang đến nhiều hiệu quả vượt trội. Đây là giải pháp công nghệ mới nhưng có mức độ ứng dụng phổ biến trong thời gian gần đây trên thế giới và tại Việt Nam. Giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ trên nền tảng akaBot sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Bộ TT&TT ra mắt nền tảng akaBot hỗ trợ tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (CNTT) (Bộ TT&TT), việc phát triển, thương mại hóa các nền tảng công nghệ trong đó có akaBot, là bước chuyển lớn của tập đoàn FPT, từ làm dịch vụ gia công phần mềm chuyển sang sáng tạo, làm chủ các công nghệ lõi, phát triển các sản phẩm nền tảng phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
“Những nền tảng công nghệ như akaBot sẽ góp phần cho các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng các giải pháp do doanh nghiệp trong nước phát triển để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế số, đồng thời phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ”, bà Tô Thị Thu Hương nhận định.
Về mặt công nghệ, akaBot là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho doanh nghiệp với các "trợ lý robot ảo" có khả năng mô phỏng các thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn. AkaBot có khả năng tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) để xây dựng giải pháp tự động hóa thông minh toàn diện. Nhờ đó, các tính năng của nền tảng này được đảm bảo không xâm lấn hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của doanh nghiệp, có thể tương tác với tất cả các phần mềm văn phòng phổ biến như word, excel, SAP, web…
Ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc sản phẩm akaBot cho biết: “Nhận thấy các giải pháp RPA của các doanh nghiệp nước ngoài dù tương đối ưu việt nhưng lại chưa thực sự phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nên chúng tôi đã phát triển akaBot. Ban đầu, nền tảng được ứng dụng tại thị trường quốc tế, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, FPT đã mang nền tảng áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện đối tượng chính là những doanh nghiệp lớn nhưng tiến tới sẽ hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nền tảng akaBot có ưu điểm là không làm thay đổi hệ thống CNTT hiện tại của doanh nghiệp và khi kết hợp với hệ sinh thái sản phẩm của FPT có thể giải quyết được những bài toán đặc thù của Việt Nam”.
Các giải pháp của akaBot có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics... giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đến 60%, tăng năng suất đến 80% và giảm thời gian xử lý đến 90%, trong khi được cam kết mức độ bảo mật cao nhất.
Theo TTXVN/Báo Tin tức