Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, qua kết quả đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy đa số các chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trung bình của khối bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2019 đều tăng so với năm 2018.
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 được thực hiện theo 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN
Top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi so với năm 2018, các bộ: Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông vẫn là các đơn vị dẫn đầu. Trong bảng xếp hạng về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vươn lên xếp thứ nhất (vượt qua vị trí thứ nhất năm 2018 của Thành phố Đà Nẵng). Đặc biệt, so với năm 2018, các tỉnh: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh đã cải thiện được thứ bậc; cụ thể An Giang đứng ở vị trí thứ 7; Bắc Kạn xếp thứ 16; Bắc Ninh xếp thứ 17.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một số tỉnh có sự thay đổi xếp hạng lớn, như: Lạng Sơn, An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh là nhờ việc tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là chủ trương của bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong thời gian tới.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai dịch vụ công mức độ 4 theo một số phương thức mới, trở thành một trong những bộ đạt được chỉ số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với tỷ lệ cao. Bộ cũng hỗ trợ, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo hướng áp dụng nền tảng công nghệ, quan tâm đến kết nối với các cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; khai trương hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến, để giúp các bộ, ngành, địa phương có thể kết nối để hỗ trợ thanh toán khi chuyển lên dịch vụ công mức độ 4.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số mới để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính, gồm chỉ số đánh giá về các nội dung, như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động chuyển dổi số, an toàn an ninh mạng, đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau, trong mỗi chỉ số thành phần có các chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Bộ chỉ số có một số điểm mới là chuyển đổi tư duy tiếp cận từ ứng dụng công nghệ thông tin, coi công nghệ thông tin là công cụ ứng dụng chuyển sang chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số vào mọi mặt của quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội; mở rộng sự tham gia của các bên, người dân, chuyên gia có thể tham gia đánh giá, chấm điểm.
Dịp này, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Cục Tin học hóa đã phối hợp ra mắt cuốn sách “Hỏi đáp về Chuyển đổi số”. Cuốn sách dày 350 trang, được viết dưới dạng những câu hỏi - câu trả lời nhằm chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm ban đầu của các tác giả Việt Nam về chuyển đổi số. Mỗi câu hỏi đề cập đến một vấn đề hay một khía cạnh chuyển đổi số và trả lời của tác giả. Cuốn sách gồm 5 phần, với những câu hỏi chung về chuyển đổi số, đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Câu trả lời là ý kiến của các tác giả hoặc là thông tin tham khảo từ các tài liệu mang tính gợi mở để độc giả tự tìm lấy câu trả lời phù hợp nhất.
Theo TTXVN/Báo Tin tức