Tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí tác nghiệp
Bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Tại Hội nghị lần này, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), các cơ quan báo chí chủ chốt như: Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ càng, để tạo điều kiện tốt nhất cho báo chí tác nghiệp.
Phóng viên trong nước và quốc tế dự họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không có phóng viên nước ngoài nào từ bên ngoài vào Việt Nam, do đó để cung cấp thông tin cho phóng viên ở nước ngoài với những tin tức, hình ảnh một cách cập nhật nhất, Ban Tổ chức đã phải sử dụng, phát huy thế mạnh của công nghệ truyền thông mới. Theo đó, ngoài việc truyền tải trên website của ASEAN, Ban Tổ chức cũng tận dụng các công cụ mới như mạng xã hội. Toàn bộ các sự kiện từ khai mạc đến bế mạc, họp báo đều được truyền trực tiếp trên website ASEAN 2020 cũng như các trang mạng xã hội, đồng thời các sự kiện, cuộc họp diễn ra đều được ghi hình, sau đó cung cấp miễn phí cho báo chí trong, ngoài nước.
“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, áp lực đối với đội ngũ làm công tác truyền thông cho Hội nghị lớn hơn các lần Hội nghị trước rất nhiều. Bởi ngoài việc đảm bảo cho phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, còn phải hỗ trợ phóng viên tường thuật các sự kiện bằng hình thức trực tuyến. Ngoài việc bố trí cơ sở vật chất, hậu cần cho phóng viên tác nghiệp ngay tại Hội nghị, có các kịch bản tác nghiệp cụ thể, chúng tôi còn phải cung cấp một cách kịp thời, chất lượng cao nhất thông tin, hình ảnh cho các phóng viên ở bên ngoài Việt Nam theo dõi và đưa tin về sự kiện này”, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Dẫn ví dụ về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra hồi tháng 6/2020, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao đánh giá, mặc dù diễn ra dưới hình thức trực tuyến song số lượng tin, bài trên các trang của báo chí Việt Nam cũng như báo chí nước ngoài còn lớn hơn so với các hội nghị mà Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng lượng tin, bài về Hội nghị lần này sẽ tiếp tục nhiều hơn, nhanh hơn và đậm đà hơn.
Phóng viên yên tâm tác nghiệp
Công tác hậu cần tốt, đường truyền Internet nhanh, ổn định là nhận xét chung của nhiều phóng viên trong và ngoài nước sau hai ngày đầu tham gia tác nghiệp, đưa tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Phóng viên Phạm Hà (Ban Thời sự - VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam) đánh giá công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 rất tốt. Trung tâm Báo chí tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên, trước hết về đường truyền Internet và cung cấp thông tin nhanh cùng nhiều sự hỗ trợ khác cho phóng viên thực hiện tốt công tác đưa tin.
Trong khi đó, chia sẻ khó khăn với nước chủ nhà Việt Nam khi công bố thời điểm ngày khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan có muộn hơn các lần hội nghị trước do tác động của dịch COVID-19, phóng viên Phạm Bắc của Thông tấn xã Đức (DPA) đánh giá công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam vẫn rất tốt, chẳng hạn như đường truyền Internet năm nay nhanh, ổn định. Bộ Ngoại giao cũng đã cử người túc trực thường xuyên ở Trung tâm Báo chí nên khi phóng viên có vấn đề gì khó khăn, xin hỗ trợ thì đều nhận được hướng dẫn tận tình. “Mọi thứ rất ổn cho phóng viên yên tâm tác nghiệp mà không cần phải lo công tác hậu cần”, phóng viên Phạm Bắc nói.
Là một trong số ít phóng viên người nước ngoài tham gia đưa tin trực tiếp tại sự kiện, phóng viên Yves Dam Van từ Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức những sự kiện lớn. Do đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, công tác tổ chức được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trung tâm Báo chí gần phòng họp tạo điều kiện đáng kể cho lực lượng báo chí trong quá trình tác nghiệp. Tài liệu, máy móc, trang thiết bị hiện đại, mạng Interrnet tốc độ cao phục vụ đầy đủ cho phóng viên báo chí tác nghiệp.
Cũng theo phóng viên Yves Dam Van, việc các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được thực hiện trực tuyến đối với các phóng viên đem lại khó khăn và cả thuận lợi. Nếu trước đây, ở các hội nghị cấp cao theo hình thức trực tiếp, một phóng viên phải theo dõi hoạt động của nhiều lãnh đạo cấp cao, cường độ làm việc rất cao. Tại các hội nghị trực tuyến, phóng viên chỉ cần thực hiện một thao tác đối với nhiều lãnh đạo. Tuy nhiên, điều khó khăn là, phóng viên phải theo dõi kỹ màn hình để “bắt” được khuôn hình có vị lãnh đạo mình muốn đưa tin.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài, đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm, Lãnh đạo ASEAN họp với Lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN.
Về chương trình, dự kiến có 20 hoạt động ở cấp cao, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dịp này cũng sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc...
Tại Hội nghị lần này, dự kiến các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức nổi lên...
Hội nghị là dịp quan trọng để Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết, quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức