Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Miễn dịch học châu Âu được đúc rút từ 90% số bệnh nhân mà các nhà nghiên cứu theo dõi. Nghiên cứu cũng cho thấy số lượng kháng thể được tạo ra phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh chứ không phải độ tuổi của người nhiễm bệnh.
Nghiên cứu trên bắt đầu được tiến hành khi đại dịch bùng phát ở Bồ Đào Nha hồi tháng 3 vừa qua, khi các nhà nghiên cứu triển khai xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán COVID-19.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 soi trên kính hiển vi. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với các bác sĩ thuộc Bệnh viện Lisboa Norte theo dõi mức độ kháng thể ở trên 500 bệnh nhân COVID-19. Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Marc Veldhoen cho biết: “Kết quả nghiên cứu được thực hiện trong hơn 6 tháng cho thấy một dạng phản ứng miễn dịch điển hình ở tháng thứ 7 sau khi nhiễm bệnh, với mức kháng thể tăng nhanh trong 3 tuần đầu tiên sau khi có triệu chứng bệnh và sau đó giảm. Trong giai đoạn phản ứng ban đầu, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trung bình nam giới sản xuất nhiều kháng thể hơn nữ giới, nhưng mức kháng thể cân bằng trong giai đoạn phân giải và tương đương giữa hai giới trong những tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2".
Chuyên gia Veldhoen cũng xác nhận rằng trong phần lớn các trường hợp được nghiên cứu, kháng thể "hoạt động mạnh cho đến tháng thứ 7 sau khi nhiễm”. Theo IMM, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng để đánh giá mức độ mạnh mẽ của phản ứng miễn dịch ở các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời tìm lời giải cho một số câu hỏi còn để ngỏ như thời gian tồn tại phản ứng miễn dịch hoặc khả năng tái nhiễm.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 2/10, thế giới đã có 193 vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang được phát triển, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức