Cùng với cả nước, Ninh Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã bám sát các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mạnh dạn tìm tòi đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, nhất là đã chủ động, kịp thời chuyển hướng chiến lược phát triển khi thực hiện chủ trương dừng triển khai các Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng thời tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nên đã đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra.
Về kinh tế có bước phát triển, tạo sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên. Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm (Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và hạn hán nhưng tốc độ tăng GRDP của tỉnh ước đạt 12%, thuộc nhóm tỉnh, thành phố phát triển đứng đầu cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng, rút ngắn nhanh hơn khoảng cách so với bình quân cả nước. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung triển khai đạt kết quả tích cực, một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được nhận diện đầy đủ và khai thác hiệu quả hơn; các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước phát huy hiệu quả.
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo được tích cực triển khai thực hiện; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư hoàn thành và hòa lưới điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo điểm nhấn quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế của tỉnh. Hợp tác quốc tế và với các tỉnh, thành phố trong nước được tăng cường; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, thu ngân sách tăng nhanh. Năng lực ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt kết quả. Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; tập trung đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Công tác lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được phát huy. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng chí Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Trong bối cảnh, điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, thì những kết quả mà Ninh Thuận đã đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lương Cường nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành quả quan trọng, tích cực mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới và đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.
Tại Đại hội, đồng chí Lương Cường đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, phân tích nhằm đánh giá thật sát, đúng tình hình, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đề ra cho nhiệm kỳ mới. Đồng thời gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, làm rõ thêm đó là:
Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là then chốt và công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận cao nhất trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thứ hai, tỉnh cần tiếp tục bám sát quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các ngành, lĩnh vực để xác định các định hướng, chiến lược phát triển đảm bảo sát đúng, hiệu quả, có tính khả thi cao. Tập trung rà soát, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115 của Chính phủ, xem đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới. Chú trọng khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, kinh tế biển là động lực; phát triển năng lượng, du lịch là khâu đột phá và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, sạch, bền vững; tranh thủ tận dụng có hiệu quả các thời cơ, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tạo bước đột phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng đối với các lĩnh vực: năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao và kinh tế đô thị.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng tiết kiệm nước, xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp để góp phần nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm. Từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh như: nho, táo, tỏi, dê, bò, cừu, măng tây xanh... Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển; xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển và là trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước.
Trong phát triển công nghiệp, cần đặc biệt chú trọng các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ...; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năng lượng gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; quan tâm thu hút nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Phát triển mạnh kinh tế đô thị, kinh tế số, xã hội số; xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái.
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao; đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch cả nước và khu vực duyên hải miền Trung.
Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, đô thị, cảng biển, năng lượng, giáo dục, y tế, văn hóa... gắn với đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác quản lý đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới; tiếp tục chủ động tích cực hội nhập quốc tế, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các địa phương trong và ngoài nước. Quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, đủ điều kiện để vươn ra “biển lớn” trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nhất là văn hóa dân tộc Chăm, Raglai, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần rút ngắn nhanh hơn khoảng cách về trình độ phát triển so với các vùng khác trong tỉnh. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo.
Thứ tư, Ninh Thuận là địa bàn có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng-an ninh quốc gia; do đó, tỉnh cần lưu ý gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác; chủ động đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để đẩy lùi tệ nạn xã hội và các loại tội phạm. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết bức xúc, phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, đề cao trách nhiệm trước Đảng bộ, trước Nhân dân, đồng chí Lương Cường đề nghị các đại biểu sáng suốt lựa chọn bầu vào cấp ủy những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, có tư duy đổi mới, có uy tín trong Đảng, trong Nhân dân; trong đó cần chú ý đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, để có tỷ lệ và cơ cấu phù hợp, chất lượng, bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đề ra. Cùng với đó, Đại hội cần sáng suốt lựa chọn bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự và góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí tin tường trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ nắm bắt tốt thời cơ, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.
T.S (lược ghi)