Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển NLTT cao nhất so với cả nước. Theo đánh giá tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển đến năm 2030, Ninh Thuận có khả năng sản xuất khoảng 21.928 MW điện. Trong đó, đã phê duyệt quy hoạch 4.758 MW; hiện đang trình Chính phủ bổ sung quy hoạch điện VIII là 17.170 MW. Thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, hỗ trợ phát triển các dự án điện gió của Chính phủ, Ninh Thuận đã thúc đẩy thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 54 dự án đầu tư NLTT, với tổng công suất 4.027 MW trong đó có 20 dự án điện gió công suất 1.684 MW và 34 dự án điện mặt trời công suất 2.343 MW, với tổng vốn đăng ký 84.176 tỷ đồng. Hiện đã có 31 dự án với tổng quy mô công suất 1.747 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 36 dự án với tổng công suất 2.392 MW đưa vào hoạt động; trong đó có 229 MW điện gió và 2.163 MW điện mặt trời.
Điện gió Trung Nam góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Phan Bình
Để giải quyết các vướng mắc về phát triển hệ thống truyền tải, Ninh Thuận cũng đã chủ động đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp với Trạm biến áp 500 kV và đường dây điện truyền tải 500/220 kV. Sau hơn 3 tháng triển khai thi công, đến nay Dự án Điện mặt trời 450 MW Thuận Nam - Trung Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành, góp phần giải tỏa toàn bộ công suất 2.000 MW điện mặt trời Chính phủ cho phép triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với sự chủ động trong định hướng phát triển của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chính sách mới của Chính phủ về NLTT, ngành năng lượng trở thành điểm sáng kinh tế - xã hội của địa phương; đưa tốc độ tăng trưởng GRDP của năm 2019 đạt 13,18%, thu ngân sách từ 1.800 tỷ đồng năm 2016 lên 4.300 tỷ đồng năm 2019 (vượt trước 3 năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra là từ 2.800 đến 3.000 tỷ đồng); tạo động lực lan tỏa để phát triển trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại - dịch vụ; vừa khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô hạn, góp phần phát triển hệ thống giao thông nông thôn; đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển NLTT của cả nước, biến những khó khăn bất lợi thành lợi thế phát triển bền vững.
Điện gió Đầm Nại. Ảnh: V.Nỷ
Để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đó là cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, có lộ trình cụ thể huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng lưới điện, đồng bộ với các dự án nguồn trong quy hoạch điện VIII, quy hoạch sử dụng đất có tính đến việc ưu tiên phát triển NLTT, năng lượng sạch; vận dụng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư lưới điện, nhất là hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án. Xây dựng bộ tiêu chí của mô hình trung tâm NLTT, gắn với cơ chế phù hợp thu hút vốn đầu tư các thành phần kinh tế vào các dự án phát triển các ngành nghề phụ trợ như: Sản xuất, chế tạo thiết bị, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ NLTT, dịch vụ đào tạo, tư vấn lắp đặt, vận hành, tham gia chuỗi giá trị điện tái tạo của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để hiệu quả của nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch; cần chú trọng thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG vừa cung cấp điện năng và hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Cùng với việc đầu tư dự án, cần có giải pháp đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, xử lý giảm tác động tiêu cực đếnmôi trường.
Với chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT cả nước từ Nghị quyết số 115/NQ-CP và với chính sách ưu tiên phát triển NLTT và năng lượng sạch của Nghị quyết số 55-NQ/TW; đồng thời với vị trí nằm giữa các tỉnh có tiềm năng lợi thế nhất của cả nước về phát triển NLTT; các công trình hạ tầng giao thông kết nối như Cảng nước sâu Cà Ná, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai, Ninh Thuận hội đủ các điều kiện và yêu cầu để phát triển thành trung tâm NLTT, năng lượng sạch của cả nước trong tương lai không xa.
Anh Tuấn