(NTO) Nhiều người cho biết, muốn viết về H50, hay hơn hết là gặp Bác Văn Công An, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – trực Đảng, rất nhiều câu chuyện về đoàn vận tải nổi tiếng một thời này. Chợt nhớ ra trên Đặc san 16 Tháng 4 của Báo Ninh Thuận năm 2010 cũng có một bài viết về ông (Nhớ Đoàn vận tải H50 của tác giả Đặng Hữu) nên tôi tỏ ý hơi chần chừ. Nhưng với chủ định viết về những con người của Đoàn H50 một thời hào hùng hiện đang sống trên đất Ninh Thuận, tôi quyết tìm đến bác và muốn nhờ bác giới thiệu cho một số nhân vật khác trong đoàn.
Một buổi sáng thật trong lành. Bác Văn Công An tiếp tôi với nụ cười nhân hậu: “Viết về anh chị em của đoàn H50 đấy nhé, đừng viết về bác nữa… mà không phải là đã có cuốn "Hồi ký H50" ngày ấy bây giờ rồi sao?”
Trong căn phòng nhỏ của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh, những hình ảnh về đoàn H50 cứ tuôn trào theo từng câu chuyện của Bác. Thỉnh thoảng, bác nhấp từng ngụm trà rồi trầm ngâm như hồi tưởng lại quá khứ đầy ắp kỷ niệm của đoàn vận tải nổi tiếng một thời trên dải đất Nam Trung Bộ này.
Được thành lập vào tháng 4 năm 1967, H50 là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện gồm vũ khí, đạn dược và hàng hóa của Trung ương từ miền Bắc vào và Trung ương cục miền Nam cho các chiến trường cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Không những vậy, đoàn còn có nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền quân khu V và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc Nam, đưa các đoàn khách qua lại, tiếp nhận và nuôi dưỡng bệnh binh từ Bắc vào trước khi đưa về chiến trường, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đột xuất khi quân khu cần.
Ngày ấy, quân số của đoàn lên đến gần 1.000 ngừơi nhưng đa phần là nữ. Nam thì được phân công nhiệm vụ chốt giữ đường, làm cầu – đường, giữ kho bãi. Vì thế chị em phải đảm nhận nhiệm vụ mang vác những kiện hàng qua các tuyến đường. Bác An hồi tưởng: “Ngày đó, có chị không những vác giỏi mà còn có thể nói là giỏi hơn cả nam giới nữa ấy chứ.
Theo lời giới thiệu của Bác An, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng cô Võ Thị Minh Túc và Nguyễn Thành Nhiên, một trong những cặp đôi nên duyên nợ từ “ngôi nhà” H50. Bên bờ sông Lu hiền hòa (thị trấn Phước Dân – huyện Ninh Phước), cô Túc đon đả đón chúng tôi vào nhà. Bức ảnh người con gái đạt danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng của hơn 30 năm về trước chợt làm chúng tôi thấy gần gũi quá đỗi. “Nói về gian khổ, có ai mà không nhớ tới đoàn H50. Ăn lá bép, củ măng thay cơm cả tháng là chuyện thường, còn chuyện nữ phải mặc một lần hai ba lớp quần là chuyện thật 100% đấy cháu à…” cô nói như phân trần khi chúng tôi hỏi cô về những khó khăn mà một nữ chiến sĩ phải đối mặt, đặc biệt là trong một đoàn chuyên vận tải như H50. Người bạn đời của cô, bác Nguyễn Thành Nhiên, ngồi bên cạnh, chốc chốc lại góp vào một vài lời: “Ngày ấy cô khỏe lắm, người thì cỡ 40 ký thôi nhưng thường mang các kiện hàng vượt trọng lượng không à, đã vậy lại còn không nghỉ những ngày được phép nữa chứ. Cứ vậy mà được Dũng sĩ Quyết thắng đấy.” Cô Túc cười thật hiền: “Mà thật, qua mấy năm ác liệt đó, cô và bác Nhiên gặp nhau rồi yêu lúc nào không biết. Nhưng tình yêu thời chiến cũng nhiều chông gai lắm cháu à.” Bác Nhiên tiếp lời: “Thời ấy, theo chủ trương “ba khoan” nên cô và bác quyết là cứ để tình cảm qua một bên, hẹn ngày đất nước được giải phóng mới cưới nhau,… còn không thì thôi. Ấy vậy mà lời nguyện thề ấy thành sự thật cháu ạ.”
Những câu chuyện tình thời chiến ấy dẫu không phải là nhiều nhưng qua lời kể của cô Túc chú Nhiên, chúng tôi chợt hiểu ra rằng, tình yêu đối với đất nước có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của mọi tình yêu.
Đất nước thống nhất đã 36 năm nay, mỗi người giờ đã có cuộc sống của riêng mình. Những người lính H50 ngày ấy, nay hầu hết đã qua tuổi, vệt thời gian để lại trên mái tóc, khuôn mặt họ những kỷ niệm một thời máu lửa. Nhắc lại quá khứ hào hùng để rồi đọng lại trong lòng họ bây giờ những cảm xúc bồi hồi đến khó tả. Bác Văn Công An, sau khoảng thời gian giữ nhiều cương vị lãnh đạo của tỉnh, đến nay đã về hưu, sống cuộc sống sum vầy bên con cháu. Ngày ngày, bác vẫn cùng những thành viên thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh giúp đỡ những người hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
Bác Phan Vĩnh – người lính gác đường năm xưa, giờ là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Ninh Sơn, đặt quá khứ ấy trong một ngăn trang trọng của ký ức để rồi hàng ngày cùng những đồng đội đóng góp sức mình xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vận động thanh niên sống có ích, góp sức trẻ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Cô Võ Thị Minh Túc hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tâm sự rằng, bốn người con của cô, chú đều đi học và có nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng cô tâm niệm, thế hệ các cô, các chú đã trải qua những gian khổ để đất nước được như hôm nay, vậy thì con cháu hôm nay không lý gì phải chịu những thiệt thòi, thiếu thốn vì ít học.
Họ, những con người H50 anh hùng đã viết nên trang sử hào hùng quân và dân khu 6 kiên trung. Bác Đặng Đình Bong (Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận) hiện đang sống tại thành phố Phan Thiết, đã dành những lời tâm huyết : “Cuộc chiến đã qua nhưng thế hệ chúng tôi mãi tự hào về những tháng năm oanh liệt của đoàn Vận tải H50”.
Và không những chỉ bác Bong, mà thế hệ trẻ chúng tôi cũng tràn đầy niềm tự hào về những con người H50 ngày ấy.
Hồng Nhạn