(NTO) Vùng đất ấy đã nói lên phẩm chất anh hùng, kiên trung, bất khuất của đồng bào chiến khu Bác Ái, đã chứa đựng biết bao nhiêu khát vọng của cuộc sống, vươn tới một cuộc sống ấm no, tự do, sống có tình, có nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy truyền thống của dân tộc, đoàn kết chống giặc cứu nước, trung thành với Đảng, với Bác Hồ, Bác Ái đã viết lên “Khúc trường ca Ra glai trong chiến tranh”. Những nhân vật đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam, như các anh hùng LLVT nhân dân Pi-năng Tắc, Pi-năng Thạnh, Chamaléa Châu v.v….. Đặc biệt, Anh hùng Pi-năng Tắc, với trận đánh “bẫy đá” đã đi vào huyền thoại lịch sử đấu tranh của dân tộc, viết lên một huyền thoại cho tộc người Ra glai.
Đường lên Phước Bình, huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên.
Giữa năm 1954, ta phát triển tiến công địch mạnh mẽ, nhiều đồn bót địch bị tiêu diệt, nhiều vùng nông thôn được giải phóng. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương. Nhận thấy thực dân Pháp ngày càng suy yếu, đế quốc Mỹ từng bước bắt đầu thực hiện chính sách xâm lược nước ta theo kiểu thực dân mới, nhanh chóng hất cẳng Pháp, độc chiếm quyền thống trị ở miền Nam Việt Nam và Đông Dương, chúng ra sức đàn áp phong trào cách mạng, thực hiện chiến lược chia cắt lâu dài, biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài của Mỹ ở Đông Nam Á. Với âm mưu này, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm ở Mỹ về miền Nam Việt Nam làm thủ tướng, xây dựng bộ máy nguỵ quyền thân Mỹ, thành lập quân đội quốc gia do Mỹ huấn luyện và trang bị. Bước đầu thực hiện chiến lược của đế quốc Mỹ, chúng đã tàn sát tàn bạo những người yêu nước. Ở căn cứ Bác Ái, địch muốn bóp chết phong trào cách mạng.
Trước tình hình đó, đồng chí Pi-năng Tắc đã kịp thời vận động, tuyên truyền, giáo dục đồng bào đề cao cảnh giác, thực hiện 3 không “không biết, không nghe, không thấy”, tuyệt đối giữ bí mật để bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đến giữa năm 1957, địch đẩy mạnh chiến lược “thượng du vận” trên vùng căn cứ Bác Ái, ra sức đánh phá ác liệt vào phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân vùng Bác Ái, thành lập các khu tập trung, dồn dân, lập ấp. Địch dùng vũ lực đàn áp buộc đồng bào các vùng Phước Kháng, Phước Chiến về khu tập trung ở Đồng Dày, Bà Râu, Cà Rôm. Cùng thời điểm, Đảng ta có chủ trương đánh Mỹ-Ngụy, đồng bào vùng căn cứ Bác Ái vô cùng phấn khởi và phong trào đứng lên đánh giặc của đồng bào Bác Ái đã nổi lên nhanh chóng. Bước đầu là phong trào phá khu tập trung trở về căn cứ cùng cách mạng diệt ác, trừ gian, giữ vững núi rừng. Bị thất bại trong âm mưu lập khu tập trung, dồn dân lập ấp, địch liên tục chuyển hướng mở các đợt càn quyết vào các căn cứ lõm, vùng sâu để vây hãm, dồn ép đồng bào, đánh phá cơ sở cách mạng.
Di tích Bẫy đá Pi-năng Tắc, huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên.
Với lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu kiên cường, thông minh và sáng tạo bằng việc sử dụng các loại vũ khí thô sơ để đánh giặc, đồng bào kiên quyết đấu tranh “một tấc không đi, một ly không rời” , quyết tâm bám núi, bám làng, cả núi rừng Bác Ái từ con người đến cây cối, mé núi, ngọn đồi đều đứng lên đánh địch; dùng vũ khí thô sơ chống chọi với vũ khí tối tân của địch, quân dân Bác Ái đã ngày đêm sáng tạo ra nhiều loại vũ khí thô sơ và tăng cường bố phòng tạo nên những thế trận “thiên la địa võng” khắp núi rừng Bác Ái để chống lại các cuộc càn quét của quân địch.
Với truyền thống của đồng bào luôn cầm cái ná, cái tên và cái bẫy trong rừng để kiếm con nai, con thú trong cuộc sống hàng ngày, nay được dùng để đánh địch thì vô cùng phấn khởi, phát huy hết sở trường, cùng với sự che chở của núi rừng các đội dân quân, du kích Bác Ái luôn giành được thế chủ động trong chiến đấu tiêu diệt quân địch. Đặc biệt là trận mai phục tiêu diệt quân địch bằng “bẫy đá” tại đèo Gia Túc vào ngày 10-4-1961 dưới sự chỉ huy của Pi-năng Tắc, trận đánh ấy đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam. Trong trận càn này, địch đã sử dụng một đại đội bảo an, lính cộng hoà kết hợp với lực lượng dân vệ, càn từ Phước Hoà theo con đường mòn độc đạo lên Phước Bình. Pi-năng Tắc đã cùng xã đội trưởng Niên bàn kế hoạch mai phục tiêu diệt địch ở đèo Gia Túc. Tận dụng sự hiểm trở của đèo Gia Túc với độ dốc cao, phía dưới đèo là dòng sông Trương chảy xiết, bờ vực sâu, chỉ có đường mòn độc đạo. Theo sự chỉ đạo của Pi-năng Tắc, dân quân du kích không quản ngày đêm chặt cây đan thành sạp treo lưng chừng vách núi, trên sạp chất đầy đá hộc, dưới đèo là hệ thống chông có tẩm thuốc độc, mang cung, bàn xoa được gài cắm dày đặc, dân quân du kích với trang bị mang cung, mũi tên, ná, giáo mác, gậy gộc phục kích ở hai phía. Đúng như dự đoán, khoảng 10 giờ ngày 10-8-1961, khi đại đội địch lọt vào trận địa mai phục, hiệu lệnh được phát ra, hàng trăm tấn đá từ các sạp đổ xuống như “trời long, đất lở” cùng với tên, ná, nỏ bay mịt mù của dân quân, du kích. Quân địch bạt vía, kinh hồn tháo chạy, dẫm đạp lên nhau, dẫm lên hầm chông, có tên thì lao xuống vực sâu, nhiều tên chết phanh thây bởi đá lăn, có tên hai chân không nhấc nổi vì đạp phải bàn chông sắt….100 tên địch phải đền tội, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng. Từ sau trận đánh này bọn địch không dám càn quyét, lùng sục sâu vào căn cứ của ta, chúng cũng từ bỏ âm mưu gom dân về các khu tập trung, có tên thoát chết trở về khiếp sợ nói rằng: “Lần đó không phải chỉ nhân dân đánh chúng tôi mà cả cây rừng, bẫy đá, hầm chông đều đánh chúng tôi”. Nhờ vậy, nhân dân có điều kiện tổ chức sản xuất và xây dựng củng cố các phong trào, củng cố căn cứ Bác Ái.
Chiến thắng “Bẫy đá Pi-năng Tắc” đã làm nức nòng quân dân căn cứ Bác Ái nói riêng, quân dân tỉnh Ninh Thuận và vùng cực Nam Trung bộ nói chung. Trận đánh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc như một minh chứng hùng hồn về nghệ thuật chiến tranh du kích, tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời và ý chí quyết chiến của những người con Ra glai mà tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang Pi-năng Tắc. Quân dân Bác Ái đã làm lên những mốc son chói lọi không thể nào quên trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Hải Nam