(NTO) Cũng như hầu hết thanh niên lúc bấy giờ, người thiếu nữ Đặng Thị Thu (Phước Mỹ - Tp.PR-TC) sớm nhận thức nỗi nhục mất nước, căm thù bọn đế quốc, thực dân. Năm 1952, khi mới 16 tuổi, chị Thu đã hoạt động cách mạng tại Đá Trắng (Phước Thái – Ninh Phước) với nhiệm vụ chủ yếu là nắm tình hình địch, bộ đội tổ chức những đợt đột kích,… 8 lần bị bắt và 2 lần bị giam ở nhà tù, bao nhiêu đòn roi tra tấn không làm nhụt chí cách mạng của người phụ nữ ấy.
Khác với chị Đặng Thị Thu, ông Phạm Đình Trọng (Vĩnh Hải – Ninh Hải) bị bắt khi đang là cán bộ bám trụ địa bàn, Bí thư xã Phước Lợi (Ninh Hải). Được đưa từ trại giam này đến nhà lao nọ, ra tòa án binh rồi bị đày đi Côn Đảo, không một phút giây nào người thanh niên ấy lung lay ý chí. “khi bị bắt là mình đã xác định rồi, thà chết chứ không khai”, ông Trọng nói thế.
Nhìn những gương mặt hằn dấu thời gian, tôi cố hình dung họ trong những xà lim, những “chuồng cọp”,… bị tra tấn dã man bằng đủ thứ dụng cụ mà tôi đã từng nhìn thấy ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Tp.Hồ Chí Minh.
“Tù chính trị dù ở nhà lao nào cũng có tổ chức, cũng đấu tranh. Dù là tuyệt đối bí mật, nhưng rất chặt chẽ”, ông Trọng khẳng định. Không chỉ đấu tranh bảo vệ bí mật tổ chức, những chiến sĩ cách mạng còn liên kết, lập nhiều kế hoạch đòi quyền lợi cho anh em trong tù. Từ việc nhịn ăn đòi cải thiện đời sống, đòi thuốc chữa bệnh,… đến kết hợp với lực lượng bên ngoài, đấu tranh theo đúng khẩu hiệu, thời gian, kế hoạch,… Để làm được điều đó, phải tổ chức thật sự chặt chẽ, hệ thống. Mỗi trại, mỗi phòng giam đều có ban lãnh đạo, tiểu đội trinh sát, tiểu đội xung kích, tiểu đội trực chiến, trợ chiến, hậu cần,… Lãnh đạo các chi bộ Đảng còn tổ chức mở lớp đối tượng Đảng, kết nạp thêm các đảng viên mới, củng cố tổ chức để tiếp tục đấu tranh.
Ngục tù tàn bạo đã khắc dấu lên những thân thể ấy biết bao vết thương. Nhưng cũng chính nơi đây, tinh thần và thể xác của họ đã được tôi luyện thành “mình đồng, da sắt”.
Hòa bình, những người tù trở lại quê hương, sống cuộc sống bình dị.
Hòa bình, cũng có những người mãi không trở về, máu xương họ đã gửi lại nơi ngục tù đế quốc, chỉ có trái tim quả cảm, kiên cường là trở về với đồng đội, trong mỗi câu chuyện mà những người còn sống cứ bồi hồi mỗi khi nhắc lại.
Bảo Bình