Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông là quy hoạch quốc gia có xét đến kết nối quốc tế, định hướng phát triển đồng bộ với hạ tầng thông tin và truyền thông các địa phương, bao gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và phát thanh truyền hình.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm: đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời bao gồm: không phận, vị trí quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam có chủ quyền.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, đồng thời bảo đảm khả năng thông suốt về hạ tầng thông tin và truyền thông trong hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương, giảm sự bất bình đẳng giữa các vùng, miền; bảo đảm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại…
Việc lập quy hoạch dựa trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, bảo đảm lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050.
Lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa chiến lược của Đảng phù hợp với xu hướng chung của thế giới và điều kiện cụ thể Việt Nam; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến hạ tầng thông tin và truyền thông.
Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; đánh giá thực trạng hạ tầng thông tin và truyền thông; dự báo phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong thời kỳ quy hoạch…
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/10/2020.
Theo TTXVN/Báo Tin tức