Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, chỉ đạo tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.
Một góc sông Dinh. Ảnh: Văn Nỷ
Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ. Hỗ trợ trang thiết bị và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”...
T.D