“Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh…” lời ca tiếng hát của các em học sinh tiểu học khi đón đoàn đại biểu làm không khí buổi học mở hôm ấy thêm phần gần gũi và ý nghĩa.
“Em vẽ về chủ đề gì thế?”, cậu học trò nhỏ Trần Nguyên Đăng (lớp 5E, – trường TH Mỹ Hương) thỏ thẻ: “em vẽ quê hương mình khi xây nhà máy hạt nhân, sẽ có thật nhiều nhà cao tầng, xe ôtô chạy bằng điện, không khí sẽ luôn trong lành vì có rất nhiều cây xanh…”. Đăng lại hí hoáy với bức tranh còn dang dở của mình.
“Khuôn mặt đang cười này là gì vậy?”, cô bé có đôi mắt tròn và đen lay láy Lê Ngọc Minh (lớp 5B – trường TH Mỹ Hương) cười thật tươi: “Em vẽ mặt cười trên nhà máy hạt nhân vì em tin là không đáng sợ như mọi người hay nghĩ …”. Trong tranh, Minh phát hoạt một nhà máy hạt nhân và xung quanh là cuộc sống thường nhật với rất nhiều hàng cây tỏa bóng mát.
Say sưa với bức tranh tương lai
Đó chỉ là một số bài “thuyết trình” về bức tranh mà 50 em học sinh tiểu học của 7 trường TH trên địa bàn Tp.PRTC tham gia lớp học mở “Chúng em với năng lượng nguyên tử”
Bằng những nét vẽ đơn giản bằng phấn lên bảng, phía Rosatom đã phác họa sơ đồ và phương thức vận hành của một nhà máy điện hạt nhân. Lần đầu tiên, biết thế nào là “uranium”, là năng lượng tái sử dụng,… nét hào hứng dần hiện rõ trên từng khuôn mặt hồn nhiên của các em.
Cô trò nhỏ Ngô Thị Minh Đức (lớp 5C – trường TH Bảo An 2) hào hứng: “Em rất thích phần giới thiệu về những lợi ích của nhà máy hạt nhân, nhất là sẽ có những chiếc xe ôtô chạy bằng điện, mà lâu ơi là lâu mới sạc một lần…thật là thần kỳ!”
Có mặt tại lớp học mở cùng con gái, chị Ngọc Linh (Phủ Hà) chia sẻ: “Họ nói rất dễ hiểu. Mình là người lớn mà đôi khi cũng chưa thật sự hiểu khi nghe tuyên truyền về nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng ở tỉnh ta. Học chung với các cháu, hóa ra lại biết nhiều hơn ấy chứ…”
Sau những “bài giảng” nho nhỏ, các em được tham gia các trò chơi trí tuệ đơn giản nhưng đòi hỏi cao sự phản ứng nhanh. Không khí lớp học nhanh chóng trở nên sôi nổi khi từng câu hỏi về kiến thức khoa học thường thức được đọc lên. Từng nhóm thảo luận và nhanh tay viết ra giấy để nộp cho ban giám khảo Nga. Tất cả đều cho rằng, câu hỏi không khó tý nào và trò chơi làm các em vô cùng thích thú.
Theo dõi lớp học từ đầu đến cuối, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Điều dễ nhận thấy nhất qua lớp học này chính là việc các em không hề sợ những vấn đề mà đôi khi người lớn chúng ta e ngại như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Cô giáo Trần Thị Tâm (Trường TH Tấn Tài 3) nói lời cảm ơn chân thành đến đơn vị tổ chức : “thật sự rất bổ ích khi các em được tham gia buổi học hôm nay…Giáo dục về năng lượng hạt nhân cho học sinh ngay từ lứa tuổi thiếu nhi là rất cần thiết và có ý nghĩa lâu dài”
Những ước mơ về tương lai sau 10 năm nữa được thể hiện trên tranh vẽ của các em được phía Nga trân trọng và hứa sẽ triển lãm tại Moscow để bạn bè Nga biết rằng, thiếu nhi Ninh Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung, nghĩ gì, nói gì và làm gì cho những nhà máy điện hạt nhân tương lai.
Trong những bức tranh ấy, có một bức tranh rất đặc biệt, một em đã vẽ những người công nhân đang xây dựng nên nhà máy điện hạt nhân bằng những viên gạch hồng. Em nói như reo, lớn lên em sẽ là một trong số những người thợ ấy…
Hồng Nhạn