Giáo dục văn hóa dân tộc cho trẻ thơ

Để giúp cho tâm hồn trẻ thơ phát triển toàn diện, theo chúng tôi không chỉ cần lời hát đồng dao vui tươi hồn nhiên mà còn cần có tiếng ru ngọt ngào dạt dào tình yêu thương của mẹ.

Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết Ca từ đánh mất tuổi thơ của Bích Thủy đăng trên Báo Ninh Thuận ra ngày 11-2-2011. Tác giả cảnh báo tình trạng trẻ em đang bị “nhiễm” bởi những lời hát có nội dung tình cảm bi lụy của người lớn. Một số bậc phụ huynh lấy tiếng hát bi bô của con trẻ làm niềm vui “lạ lạ, hay hay” vì cháu thuộc nhiều bài hát người lớn. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cần được sự quan tâm chăm lo của xã hội về giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc Việt cho trẻ thơ.

Hướng dẫn các cháu tập múa.

Văn hóa truyền thống dân tộc Việt chính là lời mẹ hát ru con, là tiếng hát đồng dao hồn nhiên của trẻ thơ. Có lẽ lớp người tuổi 40 -50 trở về trước như chúng tôi may mắn được hưởng tiếng hát ru ngọt ngào ấm áp tình yêu thương của mẹ. Trẻ em bây giờ thiếu vắng lời ru của các bà mẹ trẻ. Trẻ thơ lớn lên từ các băng đĩa được các bà mẹ mở “oang oang” để ru con? Còn đâu lời ru bằng những câu ca dao chữ nghĩa lấp lánh đẹp tựa trăng rằm: "Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Hoặc: “ Ầu ơ… trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”… Và chúng tôi may mắn được chơi đùa hồn nhiên bằng những bài hát đồng dao vần điệu lăng líu gắn liền với các trò chơi dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Thật đẹp đẽ đáng yêu sao những câu hát đồng dao:” Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp”. Hoặc:” Trời mưa lâm dâm. Cây trâm có trái. Con gái có duyên. Đồng tiền có lổ. Bánh tổ thì ngon. Bánh dòn thì béo. Cái kéo thợ may. Cái cày làm ruộng. Cái xuổng đắp bờ. Cái lờ thả cá. Cái ná bắn chim...”. Các trò chơi dân gian như trồng cây chuối, bịt mắt bắt dê, giật cờ, đánh chắt đánh chuyền…cũng đang dần bị “thất truyền”. Trong vài năm gần đây, các trường học đang bắt đầu sưu tầm khôi phục đưa trò chơi dân gian vào học đường. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy có muộn nhưng còn hơn không.

Trẻ con cần được giáo dục văn hóa Việt.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng:”Chúng ta cần sớm khai thác lại những giá trị của đồng dao, khơi lại cái thú của trẻ em đối với đồng dao. Bởi đồng dao là bài học chập chững sơ khai về cuộc sống, là lần đầu tiên trong đời các cháu học và tự mình thực hành và... trong thực hành ấy, các cháu tự sáng tạo ra các bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình. Thật là thiệt thòi cho những đứa trẻ sinh ra mà lại không được biết tới những trò đồng dao như xỉa cá mè đè cá chép, trồng nụ trồng hoa, chơi trò con trâu làm bằng cái lá đa buộc chỉ... Những kiến thức, những bài học và một ký ức tuổi thơ như thế, khó có một thứ trường lớp hay nhà văn hóa nào có thể thay thế hết được. Phải trả những gì là của trẻ em về cho trẻ em”.

Để giúp cho tâm hồn trẻ thơ phát triển toàn diện, theo chúng tôi không chỉ cần lời hát đồng dao vui tươi hồn nhiên mà còn cần có tiếng ru ngọt ngào dạt dào tình yêu thương của mẹ. Muốn vậy, ngay từ bây giờ các nhà nghiên cứu văn hóa và các tổ chức đoàn thể cần sưu tầm, quảng bá khôi phục lời hát ru con và tiếng hát đồng dao gắn với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Thái Sơn Ngọc