Hàng Việt đã có ưu thế

Các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân, tháng bán hàng khuyến mãi… đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo ra những chuyển biến trong suy nghĩ và chi tiêu của người dân đối với hàng hóa trong nước.

Ngày 18-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành hội nghị sơ kết một năm tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề…

Gần 60% người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra về kết quả 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, có đến 59% người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 38% người tiêu dùng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam” và 36% người tiêu dùng cho rằng “Trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam”…

Đó là những tín hiệu vui cho thấy cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.

Các bà nội trợ ngày càng tin dùng hàng Việt trong siêu thị. 

Thực tế trên thị trường cho thấy, tại TPHCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%. Trong 6 tháng đầu năm 2010, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op hàng Việt tiêu thụ tăng 55% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó 68% đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng Việt đã chiếm lĩnh các siêu thị nhiều hơn. Nếu như các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Big C, Metro, Fivimart... trước đây số lượng hàng trong nước chỉ chiếm khoảng 50% thì tết này, con số đã được thay thế bằng 80%-90%.

Các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân, tháng bán hàng khuyến mãi… đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo ra những chuyển biến trong suy nghĩ và chi tiêu của người dân đối với hàng hóa trong nước.

Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, cuộc vận động góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp và giới doanh nhân chủ động hơn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy tối đa lợi thế của doanh nghiệp trên thị trường, chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ… Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã được rất nhiều nhà chuyên môn quốc tế và người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao về chất lượng và kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

Xây dựng kế hoạch dài hạn

Theo kết quả điều tra về cuộc vận động công bố ngày 18-2, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với trước đây như “Sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép” sản xuất trong nước chiếm 80%; “Thực phẩm, rau quả” là 58%; “Sản phẩm đồ gia dụng” là 49%... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì vẫn cần có những giải pháp đồng bộ để hàng Việt thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.

Để cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, mang tính bền vững, không chỉ yêu cầu ở sự thay đổi nhận thức của người dân mà bản thân các doanh nghiệp phải luôn vận động theo xu hướng: tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân.

Nhiều mặt hàng sữa do Việt Nam sản xuất đang chiếm lĩnh trong các siêu thị. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những kết quả đạt được, song Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình thực hiện, một số ngành chưa quan tâm đúng mức, một số doanh nghiệp nhận thức hạn chế về cuộc vận động… Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, làm cho cuộc vận động sát thực tế, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành coi cuộc vận động không chỉ trước mắt mà là lâu dài quyết định sự phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về cuộc vận động. Về phía các bộ ngành cần rà soát và ban hành bổ sung các văn bản pháp luật để kích thích sự phát triển của cuộc vận động và đưa cuộc vận động đạt kết quả cao.

Để duy trì, phát huy kết quả cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tập trung vào 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng tích cực tham gia cuộc vận động; kiểm tra ở các cấp, nhất là các địa phương, cơ quan đơn vị; vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…

Theo SGGP online




  

 
  • Bọt biển
    Thời hậu chiến tranh con người chỉ cần ăn no, mặc ấm; nhưng thời kinh tế thị trường thì không chỉ ăn no mà còn cần được ăn ngon và mặc đẹp, cạnh bên đó điều không thể thiếu và chủ yếu đó là chất lượng của sản phẩm. Nếu sản phẩm tốt, đẹp, bền và giá cả...phải chăng thì tin chắc rằng sản phẩm đó người tiêu dùng không bao giờ ngoảnh mặt. Mong rằng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì cũng mong nhà sản xuất giữ chữ tín. Đừng để hàng mới ra thì tốt, hàng ra đợt sau thì giảm dần chất lượng và uy tín cũng sẽ giảm theo!
    hoat6061@gmail.com