Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Khi làm việc với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, một trong các kiến nghị của hội là xây dựng hệ thống dữ liệu các địa chỉ nhân đạo cần giúp đỡ. Khi nêu ý tưởng với các bạn trẻ làm về công nghệ thì các thành viên FPT cũng có chung ý tưởng kết nối các địa chỉ làm nhân đạo. Từ đó nền tảng inhandao đã ra đời để dùng sức mạnh công nghệ thông tin kết nối giữa những người muốn làm từ thiện tới các địa chỉ khó khăn. Đề án mở rộng hơn rất nhiều so với ý tưởng ban đầu chỉ số hóa các địa chỉ cần giúp đỡ. Từ những hình ảnh cụ thể về hoàn cảnh, câu chuyện, việc giúp đỡ sẽ đến trực tiếp và công khai, minh bạch đến cụ thể đối tượng được giúp đỡ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin về chương trình "Kết nối triệu con tim".
“Hiện đề án có 10 ý tưởng và đã có thêm 3 ý tưởng được cụ thể hóa là những nền tảng được ra mắt tại chương trình này với sự góp sức của cộng đồng tham gia hệ tri thức Việt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ban ngành chính thức khởi động chương trình "Kết nối triệu con tim".
Được triển khai từ năm 2018, đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” xác định mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống, đến nay, sau một thời gian triển khai với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp.
Đề án đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính… cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong năm 2019, hai nền tảng số đầu tiên là nền tảng nhân đạo số (iNhandao) và Bản đồ số Vmap đã ra mắt được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn.
Tại chương trình này, thông qua nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phát động chiến dịch “Kết nối tương lai” quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ cho các em học sinh miền núi 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
MB Bank đã trao tặng 50 máy tính bảng và điện thoại đầu tiên cho đại diện Vnpost để trao tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
Chiến dịch kéo dài trong 3 tháng (từ 1/10-31/12/2020). Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm là những điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 2017 đến nay, còn sử dụng tốt đến các bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nơi gần nhất. Thiết bị sẽ được kiểm tra kỹ thuật, làm sạch, và bàn giao đến thầy, cô, các em học sinh.
Đồng thời, với thông điệp “Kết nối triệu con tim”, giai đoạn 2 của nền tảng nhân đạo số kêu gọi các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn) để cùng chung tay, góp sức sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, đóng góp nguồn lực dưới mọi hình thức, giúp đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Để giới thiệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và tham gia trợ giúp, mỗi cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://inhandao.vn và thực hiện các bước theo hướng dẫn.
Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”và chương trình "Kết nối triệu con tim", các đơn vị tham gia đã ký kết và ra mắt 3 nền tảng mới:
Bản đồ chung sống an toàn COVID (antoancovid.vn): Từ kinh nghiệm chống dịch COVID-19, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì việc chung tay chống dịch của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để cụ thể hóa việc này và ứng dụng các công nghệ số hóa, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế cùng đề án Tri thức Việt số hóa ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid: AntoanCovid.vn. Hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.
Nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn: là sản phẩm hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến…
Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam – bktt.vn: Bách khoa toàn thư Việt Nam là bộ sách tổng hợp tri thức của Việt Nam và của thế giới, được biên soạn theo một hệ thống, nhằm cung cấp tri thức cho thế hệ hôm nay và truyền lại cho các thế hệ mai sau, giúp họ tiến nhanh hơn khi có sự kế thừa những gì cha ông để lại. Hiện nay trúc vĩ mô của Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được xác định với trên 60.000 mục từ. Cấu trúc vi mô của từng loại mục từ cũng đã được quy định rất chặt chẽ, theo các quy định của Đề án về nội dung và hình thức. Khoảng 3.000 nhà khoa học thuộc gần 70 ngành khoa học đang tham gia biên soạn. Bktt.vn là một dự án hợp tác giữa Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở. Mục tiêu của bktt.vn là tạo ra môi trường mà tại đó các các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia biên soạn các mục từ theo lĩnh vực chuyên môn sâu của mình trong Bảng mục từ đã được Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam xác lập.
Theo TTXVN/Báo Tin tức