Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế hạng mục thi công Dự án hồ chứa nước Sông Than.
Dự án hồ chứa nước Sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô dung tích chứa trên 85 triệu m3 nước, tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh. Hiện nay, các nhà thầu đang khẩn trương thi công xây dựng đập chính và các công trình phụ trợ với tổng khối lượng ước đạt khoảng 35%.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Dự án hồ chứa nước Sông Than có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh trên nhiều mặt, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt nguồn nước trước tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác tại địa phương. Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh luôn tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng.
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp khó khăn do có sự thay đổi về Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và nhất là tiêu chí xác định rừng theo Luật Lâm nghiệp mới, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Nhằm đảm bảo tiến độ đề ra, đồng chí mong muốn đoàn công tác quan tâm, thẩm định và tổng hợp trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương xin chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác với diện tích 431,76 ha, để tỉnh có cơ sở pháp lý thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Đồng thời, sau khi được Quốc hội quyết định cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tỉnh sẽ phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế bổ sung theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, đảm bảo hoàn trả lại diện tích rừng bị chuyển đổi, góp phần duy trì và nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt và đánh giá cao vai trò chỉ đạo, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương liên quan trong việc thực hiện Dự án hồ chứa nước Sông Than đã đạt được khối lượng công việc nhất định. Đối với kiến nghị của tỉnh xin chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án là phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tới. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, rà soát, xác định vị trí, ranh giới, hiện trạng diện tích rừng, đánh giá chi tiết, cụ thể tác động của việc trồng rừng thay thế đem lại lợi ích cho người dân cũng như tăng độ che phủ rừng, từ đó đoàn công tác có đầy đủ cơ sở để thẩm định và trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế sát thực tế khu vực trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện Bác Ái.
* Trước đó, đồng chí Phan Xuân Dũng cùng các thành viên trong đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh đã đến khảo sát thực tế một số hạng mục thi công Dự án hồ chứa nước Sông Than và khu vực trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện Bác Ái.
Hồng Lâm