Theo báo cáo, năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp làm chủ đầu tư 10 dự án, với tổng kế hoạch vốn trên 137 tỷ. Đến thời điểm hiện nay, công tác giải ngân các dự án đã triển khai được trên 66 tỷ đồng, đạt 48% so với kế hoạch, trong đó có 4 dự án giải ngân dưới 60% nguồn vốn. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp, nguyên nhân việc giải ngân nguồn vốn chậm so với kế hoạch là do trong quá trình triển khai dự án, mặc dù chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ và triển khai quyết liệt các phần việc nhưng hầu hết các dự án đều vướng vào công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này các dự án được triển khai vẫn chưa có hệ số xây dựng giá đất cụ thể và hệ số chứng thư của đơn vị tư vấn độc lập về giá đất nên chưa thể tiến hành áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến giải ngân chậm các nguồn đầu tư công.
Lãnh đạo Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp cần khẩn trương rà soát các dự án đã có khối lượng để tiến hành thanh toán cho đơn vị tư vấn giải ngân nguồn vốn; rà soát và thống kê các dự án có khối lượng giải ngân vốn thấp để trình UBND tỉnh kiến nghị điều chuyển vốn. Các dự án chưa xây dựng được giá đất cần yêu cầu UBND tỉnh giữ lại vốn để từ đây đến cuối năm nếu xây dựng được giá đất tại khu triển khai dự án sẽ tiến hành chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đến người dân sao cho phù hợp với quy định pháp luật và đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, để công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công từ đây đến cuối năm đạt hiệu quả, đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan cố gắng xây dựng các phương án cụ thể để triển khai các dự án đạt hiệu quả hơn.
Thanh Thịnh