Người đứng đầu Trung tâm khoa học y tế về bệnh truyền nhiễm mới thuộc Hội Chữ thập đỏ Thái Lan, Tiến sĩ Thiravat Hemachudha cho biết loại vaccine mới nhất này đã được thử nghiệm trên chuột và khỉ với kết quả khả quan. Giới chuyên môn sẽ tiến hành quy trình đánh giá và tinh chế vaccine trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.
Nhân viên phòng thí nghiệm chăm sóc khỉ tại một trung tâm nghiên cứu ở Saraburi, Thái Lan, ngày 23/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiến sĩ Thiravat cho biết loại vaccine trên không giống loại vaccine đang được các bác sĩ Khoa Y dược của Đại học Chulalongkorn phát triển. Vaccine này được bào chế từ protein của một loại lá thuốc lá đặc biệt, dễ sản xuất với chi phí thấp, ngay cả ở quy mô công nghiệp.
Ông Thiravat lý giải vaccine được sản xuất bằng cách tích hợp ADN của virus vào lá cây thuốc lá. Cây phản ứng với ADN và tạo ra protein khoảng một tuần sau đó. Các protein này được chiết xuất để tạo ra vaccine. Đáng chú ý, vaccine này không chỉ tạo ra kháng thể, mà còn có thể kích thích các tế bào T tự sản sinh ra kháng thể khi gặp cùng loại virus.
Tiến sĩ Thiravat cho biết công ty Bai Ya đang đàm phán với Viện vaccine quốc gia (NVI) về việc hợp tác trong quá trình tinh chế vaccine trên. Nếu NVI chấp thuận hợp tác, nhiều khả năng sau khoảng 3 tháng sẽ có vaccine để thử nghiệm trên người. Kế đó, việc sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp sẽ được triển khai nhanh chóng. Với nguồn nguyên liệu lá cây thuốc lá dồi dào, có thể sản xuất hơn 10 triệu liều vaccine mỗi tháng. Vaccine này được kỳ vọng sẽ có hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm theo mùa và các bệnh mới nổi khác.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này đang tiến gần tới mốc 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 5. Thái Lan là quốc gia ngoài Trung Quốc ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020. Tính đến ngày 30/8, tại nước này có tổng cộng 3.411 ca nhiễm bệnh, trong đó có 58 ca tử vong.
Theo TTXVN/Báo Tin tức