Xung quanh thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE

Dưới sự trung gian của Mỹ, Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử tiến tới bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa hai bên. Dù còn nhiều khó khăn song sự đột phá lịch sử về mặt ngoại giao này được cho là sẽ giúp thúc đẩy hòa bình tại khu vực Trung Đông, đồng thời được coi là chiến thắng đối ngoại đối với Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Thỏa thuận hòa bình lịch sử

Ngày 13-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel và UAE đã đạt được “một thỏa thuận hòa bình lịch sử” với tên gọi Hiệp ước Abraham, trong đó hai quốc gia này sẽ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Hôm nay chúng ta đã đạt được một sự đột phá. Một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa hai người bạn của chúng ta là Israel và UAE!.” Ông Trump bày tỏ hy vọng các quốc gia khác sẽ theo bước UAE và đẩy mạnh hợp tác với Israel.

Thỏa thuận được thống nhất trong cuộc điện đàm ngày 13-8 giữa Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed. Mỹ, UAE và Isreal đưa ra tuyên bố chung cho biết ba lãnh đạo đã “đồng ý bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel cùng UAE”. Tuyên bố nêu rõ: “Sự đột phá lịch sử về mặt ngoại giao này sẽ giúp thúc đẩy hòa bình tại khu vực Trung Đông, đồng thời là minh chứng cho tầm nhìn và nỗ lực ngoại giao đầy táo bạo của ba nhà lãnh đạo cũng như sự can đảm của UAE và Israel trong việc vạch ra một con đường mới, nhằm mở ra tiềm năng to lớn trong khu vực.”

Đáng chú ý, trong tuyên bố này, Israel thông báo sẽ đình chỉ việc tuyên bố chủ quyền đối với các khu định cư ở khu Bờ Tây, đồng thời nỗ lực mở rộng mối quan hệ với các quốc gia Arab và Hồi giáo. Israel và UAE cũng cam kết sẽ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tổng thể, công bằng và bền vững cho vấn đề xung đột Israel-Palestine.

Tuyên bố cũng khẳng định, việc hai nền kinh tế năng động và phát triển hàng đầu Trung Đông như Israel và UAE bình thường hóa quan hệ sẽ giúp khu vực này “lột xác” bằng sự tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghệ và nỗ lực đưa người dân hai bên xích lại gần nhau hơn.

Bên cạnh đó, Israel và UAE sẽ ngay lập tức thúc đẩy hợp tác liên quan đến việc nghiên cứu phương pháp điều trị và vắcxin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Trong vài tuần tới, các phái đoàn Israel và UAE sẽ gặp gỡ để ký kết các thỏa thuận song phương liên quan đến hàng loạt lĩnh vực như đầu tư, du lịch, an ninh, viễn thông, hàng không, công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa...cùng nhiều lĩnh vực khác mà hai bên cùng có chung lợi ích. Hai quốc gia cũng dự định sớm trao đổi đại sứ và mở sứ quán.

Ngày 14-8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng đây là “một buổi tối lịch sử, một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel cũng nêu rõ ông sẽ chỉ “trì hoãn” chứ không từ bỏ hoàn toàn kế hoạch sáp nhập các khu định cư Bờ Tây.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, đây là một thành tựu đáng kể đối với hai quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất và thể hiện tầm nhìn chung về một khu vực tích hợp kinh tế. Thỏa thuận này cũng thể hiện cam kết của hai nước, dù nhỏ nhưng mạnh, trong việc đối đầu với những mối đe dọa chung.

Cơ hội cho hòa bình Trung Đông?

Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây vào ngày 7-6-1967, bao gồm Đông Jerusalem, cho tới thời điểm hiện tại. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định khu vực Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi khu vực Bờ Tây này là vùng “tranh chấp”.

Trong khuôn khổ các chính sách được thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Chính phủ Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này, trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình được Tổng thống Trump công bố hồi tháng 1 vừa qua. Thủ tướng Netanyahu đã ấn định thời hạn ngày 1-7 khởi động kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, song tới nay kế hoạch gây tranh cãi này dường như đã bị trì hoãn.

Chính vì vậy, trước thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa đạt được giữa Israel và UAE, trong đó đáng chú ý là cam kết của Israel sẽ đình chỉ việc tuyên bố chủ quyền đối với các khu định cư ở khu Bờ Tây, giới phân tích, cộng đồng quốc tế cũng như các nhà lãnh đạo các nước Arab đều nhận định thỏa thuận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề Israel-Palestine, mở ra triển vọng cho hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông.  

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa UAE và Israel, cho rằng thỏa thuận này có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông. Ông Guterres bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo Israel và Palestine quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, trong đó hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước theo đúng nghị quyết liên quan của LHQ, luật quốc tế và các thỏa thuận song phương. Tổng Thư ký Guterres cũng cảnh báo động thái sáp nhập sẽ đóng lại cánh cửa đàm phán giữa Israel và Palestine, hủy hoại triển vọng về thành lập nhà nước Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước.

Đối với toàn bộ khu vực Trung Đông, thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE cũng sẽ là bước đầu tiên trong một loạt các thỏa thuận nhằm chấm dứt 72 năm thù địch ở khu vực và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.

Dù được nhận định là đem lại triển vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông song theo tạp chí Guardian, về phía người Palestine vốn vẫn dựa vào sự ủng hộ của các nước Arab để đấu tranh đòi quyền độc lập, tuyên bố về Hiệp định Abraham được coi là thành công nhưng cũng là thất bại. Tuy hiệp định này sẽ tạm ngăn chặn kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel nhưng trong thời gian qua, phía Palestine đã nhiều lần đề nghị chính phủ các nước Arab không bình thường hóa quan hệ với Israel cho tới khi đạt được thỏa thuận thành lập nhà nước Palestine độc lập. Do vậy, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh cho biết giới chức Palestine lên án thỏa thuận này, coi đây là một “sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine”. Chính quyền Palestine (PA) ngay lập tức đã triệu hồi Đại sứ Palestine tại UAE để phản đối thỏa thuận nói trên.

Theo TTXVN