Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về mối tương tác giữa các chính sách chuyên ngành y tế với các chính sách trong lĩnh vực thương mại, sở hữu trí tuệ và tác động đến quá trình đổi mới và khả năng tiếp cận các công nghệ y tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Kỹ thuật viên làm việc trên dây chuyền sản xuất vaccine tại công ty Sanofi ở Val-de-Reuil, Pháp ngày 10/7/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Một số điểm mới trong bản nghiên cứu cập nhật bao gồm: (i) Tập trung đi sâu phân tích các nhân tố chính quyết định đến khả năng tiếp cận các công nghệ và đổi mới lĩnh vực y tế (vaccine, thuốc, chuẩn đoán); (ii) Chỉ ra các bài học thực tiễn rút ra được từ quá trình giao thoa giữa y tế cộng đồng, sở hữu trí tuệ và thương mại theo hướng tiếp cận rộng hơn như khía cạnh nhân quyền sức khỏe, các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc (SDG); (iii) Thống kê những tiến triển quan trọng từ năm 2013 đến nay về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các công nghệ y tế mới, các xu hướng đổi mới về dược phẩm, hoạt động thương mại và hàng rào thuế liên quan đến sản phẩm y tế; (iv) Cập nhật về khả năng tiếp cận các công nghệ y tế trên toàn cầu cũng như các điều chỉnh tại các hiệp định thương mại khu vực, trong đó có tính đến những diễn biến mới về khía cạnh pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra báo cáo còn cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình dịch bệnh COVID-19, các biện pháp được thực hiện để đối phó với đại dịch. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các rào cản tiếp cận dịch vụ y tế phải được dỡ bỏ và đại dịch COVID-19 cho thấy sự cần thiết phải hợp tác giữa các quốc gia để có thể cứu sống và thay đổi tình trạng sức khỏe của hàng tỷ người trên toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức