Sau cuộc họp này, ủy ban gồm khoảng 20 thành viên và cố vấn của WHO có thể sẽ đưa ra những khuyến cáo mới hoặc điều chỉnh những khuyến cáo hiện tại. Nhưng một điều chắc chắn là WHO sẽ duy trì cảnh báo cấp độ cao nhất với đại dịch COVID-19, đó là Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tới nay, hơn 17,5 triệu người dân trên thế giới đã mắc bệnh, hơn 677.000 tử vong và tình trạng lây nhiễm vẫn chưa thể kiểm soát. Số ca lây nhiễm mới đặc biệt tăng nhanh trong những ngày gần đây. WHO thời gian qua cũng bị chính quyền Mỹ chỉ trích vì phản ứng quá chậm, đưa ra những khuyến cáo muộn hoặc mâu thuẫn nhau về việc đeo khẩu trang hoặc các đường lây nhiễm virus. Với lý do này, Mỹ đã chính thức kích hoạt quy trình rút khỏi WHO trong tháng 7.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus luôn nhấn mạnh tổ chức này đã công bố tình trạng khẩn cấp mức cao nhất với dịch bệnh ngay từ cuối tháng 1/2020 khi mà tổng số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc chưa đến 100 ca và không có ca tử vong nào bên ngoài quốc gia khởi phá dịch bệnh này.
Ngày 30/7, Giám đốc chuyên môn dịch COVID-19 của WHO khẳng định tổ chức đã phản ứng tức thì với những dấu hiệu đầu tiên của đại dịch và điều động các lực lượng tham gia hành động và liên tục cập nhật thông tin. Trong khi đó, Giám đốc khẩn cấp của WHO Michael Ryan bày tỏ sự ngạc nhiên về cách ứng phó quá chậm chạp của một số quốc gia. Ông này cũng khẳng định ngay từ những ngày đầu tiên cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh xảy ra, WHO đã tập trung cho nhiệm vụ huy động hỗ trợ kỹ thuật và vận hành cho các quốc gia trong danh sách ưu tiên lâu nay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức