Mô tả cây
Cây chè vằng là một cây nhỏ, mọc thành bụi ở bờ rào hay bụi tre hoặc bám vào các cây lớn. Thân cây cứng, chia thành từng đốt, đường kính 5-6mm, chia thành nhiều cành, có thể vươn cao 1-1,5m và vươn dài tới 15-20m, thân và cành đều nhẵn. Lá mọc đối, hình mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đấu lá nhọn, dài 4-7,7cm, rộng 2-4,5cm, những lá phía trên nhỏ hơn lá phía dưới, mép nguyên, trên có 3 gân rõ rệt. Cuống lá nhẵn, dài 3-12mm. Hoa mọc thành xim nhiều hoa, cánh hoa màu trắng. Quả hình cầu, đường kính 7-8mm. Khi chín có màu vàng, trong quả có một hạt rắn chắc. Mùa quả chín tháng 7-10.
Công dụng và liều dùng
Nhân dân nhiều tỉnh dùng lá chè vằng phơi khô nấu hay pha nước uống hằng ngày cho phụ nữ sau khi đẻ uống. Có nơi dùng lá nấu nước tắm cho trẻ con bị ghẻ lở.
Tại miền Nam, nhân dân dùng lá chữa sưng vú cho phụ nữ mới đẻ uống, còn dùng chữa rắn cắn, rễ mài với dấm thanh để làm hết mủ những ung nhọt đã nung mủ.
Liều uống hằng ngày: 20-30g lá khô
Dùng ngoài; Không kể liều lượng
Kinh nghiệm dùng lá chè vằng của bệnh viện Thái Bình
Dùng lá chè vằng giã nát đắp vào nơi áp xe vú hoặc giã lá với cồn 500 rồi đắp vào nơi áp xe. Ngày 3 lần, đêm 2 lần. Thời gian điều trị thường là 1 ngày đến 1 tuần tùy theo bệnh nặng nhẹ và được bắt đầu chữa bằng lá chè vằng sớm hay muộn. Trung bình 1,5-2 ngày. Bệnh nhân điều trị bằng chè vằng thường hết sốt sau 2 giờ dùng thuốc, sau khi khỏi công thức và số lượng bạch cẩu trở lại bình thường, sữa cũng trở lại bình thường.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)