Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với khó khăn do nắng hạn. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho một số địa phương phải giảm diện tích canh tác. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, các mặt hàng nông sản chủ lực như nho, táo gặp khó trong tiêu thụ. Ứng phó thách thức, UBND tỉnh đã chủ động đề ra giải pháp chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt để duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Phân loại táo tại Trang trại Nho Ba Mọi (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Thực hiện Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 7-2-2020 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp phối hợp với đơn vị chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước. Tính đến vụ đông - xuân (2019-2020), diện tích tưới tiết kiệm nước 1.523,15 ha, vượt 1,54% kế hoạch. Ngành cũng đã chủ động xây dựng kịch bản sản xuất linh hoạt ứng phó với hạn, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây ăn quả, rau, màu, nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó, đã hình thành các vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gắn liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học và kỹ thuật, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị. Trong số 19 cánh đồng lớn triển khai ở 6 tháng đầu năm, nổi lên là cánh đồng lớn trồng măng tây xanh ở xã An Hải (Ninh Phước) đã khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất cát thiếu nước để phát triển loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân ở vùng khô hạn.
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, giải pháp chuyển đổi cây trồng cạn cũng được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực. Một số địa phương kiên trì thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, lâu dài; đồng thời, cải tiến cách làm, giảm tối thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông-xuân (2019-2020) toàn tỉnh chuyển đổi được 903,95 ha cây trồng cạn, đạt 152,9% kế hoạch vụ, 69,96% kế hoạch năm 2020; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 764,45 ha, trên đất khác 139,5 ha.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa vụ đông – xuân 2019-2020.
6 tháng đầu năm 2020 để lại nhiều dấu trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh tiếp tục duy trì mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bao trái cây tránh sâu bệnh, thì mô hình giàn nho chữ Y có mái che với ưu điểm vượt trội là nét mới. Đáng quan tâm trong hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ đó là ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Cùng với đó, mô hình bao lưới trên giàn táo đã nhân rộng trên 139 ha với 501 hộ tham gia. Xu thế ngày có càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng hình thức xây dựng trang trại kết hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà đang trở nên phổ biến.
Nhìn lại kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 để thấy từ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục “gặt hái” được nhiều thành quả. Từ chỗ làm tốt công tác tuyền truyền Luật Thủy sản 2017, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, khai thác thủy sản có nhiều khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt 65 tàu cá đủ điều kiện khai thác thủy sản, dịch vụ khai thác thủy sản vùng biển xa, nâng tổng số tàu cá tham gia khai thác biển xa lên 697 tàu; quyết định hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng tàu mới 1 dự án với tổng số tiền hơn 6,48 tỷ đồng; có khoảng trên 65% lượng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên ngư trường từ Bình Thuận đến Cà Mau với nhiều nghề hiệu quả, như: vây rút chì, lưới rê, lưới kéo…, sản lượng khai thác đạt hơn 5.672 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ, tăng 4,17% giá trị hải sản do khai thác ở vùng khơi. Việc đẩy mạnh khai thác xa bờ góp phần làm cho cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, thủy sản tăng (chiếm 57,77%), giảm dần lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm 41,66%).
Có thể nói, trong khó khăn ngành Nông nghiệp đã làm tốt công tác dự báo, xây dựng phương án, biện pháp, giải pháp hiệu quả, tập trung chỉ đạo sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu. Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định. Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm lĩnh vực trồng trọt giảm sâu do tác động của hạn phải dừng sản xuất hơn 20.233 ha và thiệt hại hơn 198 ha cây trồng các loại. Tình hình nuôi tôm thương phẩm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do tác động của dịch COVID-19, giá tôm thương phẩm thấp, hộ nuôi thu hẹp diện tích thả, giảm 12,7%, sản lượng nuôi thủy sản giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Đây là thách thức đặt ra với ngành Nông nghiệp phải vượt qua để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6-7%. Từ nay đến cuối năm 2020, ngành tập trung chỉ đạo phát triển nông, lâm và thủy sản theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khi hậu để bứt phá vươn lên.
Anh Tùng