Cuối năm 2015, Xuân Hải được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, Đảng ủy và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác gắn tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất với nhân dân. Đến nay toàn xã có 4 HTX, trong đó có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, HTX Kinh doanh tổng hợp Xuân Hải (thu mua nho, táo của thôn Thành Sơn) và HTX Măng tây xanh An Xuân. Theo đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã, với sự hỗ trợ của địa phương, sự phối hợp của các ngành, các cấp và sự nỗ lực tự thân của HTX, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, giải quyết cơ bản các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các thành viên. Trong hoạt động, các HTX đã liên kết với người dân thực hiện cánh đồng lớn tạo được năng suất cao và đem lại thu nhập cho các thành viên cũng như người dân, điển hình HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân.
Ông Thái Bá Trung, Giám đốc HTX gới thiệu giống gạo Đài thơm 8, sản phẩm mới của HTX.
HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân chính thức thành lập từ tháng 5-2015, là HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có 21 thành viên và 44 lao động làm việc thường xuyên trong HTX. Ông Thái Bá Trung, Giám đốc HTX cho biết: “Ngay từ ngày đầu, HTX đã được đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho HTX hoạt động. Cụ thể là cho mượn tạm 5 gian nhà kho của HTX cũ cho HTX đầu tư sửa chữa lại làm văn phòng”. Từ năm 2014, khi còn là Tổ hợp tác sản xuất (tiền thân của HTX), HTX đã sản xuất lúa giống cấp xác nhận TH6 và TH41 theo quy trình hướng dẫn của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh. Từ 2 sào lúa giống ban đầu, giờ hằng năm HTX sản xuất 2 vụ hè thu và đông xuân với diện tích đã tăng lên 6 ha lúa giống, năng suất 7 tạ/sào. Qua thực hiện chuyển đổi cây trồng, HTX còn sản xuất gạo thơm dẻo (giống Đài thơm 8) với diện tích 5 ha, tiêu thụ tại địa phương. Để giúp đỡ xã viên và các lao động liên quan, HTX đầu tư giống, phân, thuốc cho họ và thu mua lại lúa tươi ngang bằng giá lúa khô, qua đó lợi nhuận của người trồng lúa tăng thêm 2,2 triệu đồng/sào.
Vào giữa tháng 6 khi chúng tôi đến làm việc, HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân đang khắc phục tác động của đại dịch COVID-19. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm 2017, 2018, HTX có làm dịch vụ thu mua nho, táo, dê, cừu, nhưng do nhu cầu vốn lớn, tự lượng sức mình khó kham nổi nên HTX chọn phương án kinh doanh phù hợp. Ngoài lúa giống, HTX còn sản xuất măng tây xanh với diện tích 6 ha, đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm này cho nông dân trong xã. Cây măng tây xanh trước kia được nhân dân Xuân Hải mở rộng diện tích lên 30 ha, chủ yếu là ở các thôn An Xuân 1, 2, 3, nhưng do một số nguyên nhân bất ổn, diện tích giảm còn 13 ha, trong đó có 5 ha măng tây xanh sản xuất VietGAP. Nhờ các cuộc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, HTX đã kết nối thị trường rộng khắp ở các HTX tỉnh bạn, chỉ riêng Đà Nẵng hằng ngày có 2-3 tạ măng tây xanh của HTX gởi ra tiêu thụ.
Hơi khác với cách thu mua lúa giống, để tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh cho bà con, HTX trả bằng tiền mặt trong ngày. Từ đó người sản xuất phấn khởi, hễ có hàng là đem đến bán cho HTX. Các nông dân Nguyễn Văn Thiện (An Hòa), Lê Văn Tám (An Xuận 2) đưa măng tây đến bán cho biết đã nhận được tiền liền. Ở thôn lân cận An Nhơn có các hộ trồng nhiều măng tây xanh như bà Đạo Thị Thanh Toán, ông Vạn Thanh Tùng cũng đều đem măng tây đến bán cho HTX. Trong khi các HTX khác ở Xuân Hải hiện chỉ hoạt động cầm chừng, việc bao tiêu các nông sản, ổn định đầu vào, đầu ra và nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả của HTX nông nghiệp An Xuân được coi là kinh nghiệm hay về cách làm năng động, sáng tạo.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thi, để duy trì và nâng cao chất lượng một số tiêu chí quan trọng theo chuẩn NTM như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo thấp, tổ chức sản xuất, Xuân Hải tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng (nho, măng tây xanh) và mở rộng thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng lúa, kể cả măng tây xanh. Trọng tâm là tiếp tục phát huy vai trò HTX, tập trung giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, HTX; gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm.
Bạch Thương