Vị thuốc từ cây Kim Ngân

Cây Kim Ngân còn gọi là Nhẫn đông, tên khoa học: Lonicera japonica Thunb. Thuộc họ Cơm cháy Caprifoliaceae. Cây Kim ngân cho ta các vị thuốc:

1. Hoa kim hay Kim Ngân hoa-Flos Lonicerae là hoa phơi hay sấy khô của hoa kim ngân.

2. Cành và lá Kim Ngân-Caulis cum folium Lonicerae-là cành và lá phơi hay sấy khô của Kim Ngân

Mô tả cây

Kim Ngân là một một loại dây mọc leo, thân có thể vươn dài tới 10 m hay hơn. Cành lúc còn non màu lục nhạc, có phủ lông mịn, khi cành già chuyển thành màu nâu đỏ nhạt, nhẵn. Lá mọc đối, đôi khi mọc vòng 3 lá một, hình trứng dài, đầu hơi tù, phía cuống tròn, cuống ngắn 2-3mm, cả hai mặt đều phủ lông mịn. Vào các tháng 5-8, hoa mọc từng đôi ở kẽ lá, mỗi kẽ lá có 1 cuống mang 2 hoa, hai bên lá mọc đối mang 4 hoa, lá bắc giống lá nhưng nhỏ hơn. Hoa hình ống xẻ hai môi, môi lớn lại xẻ thành 3 hay 4 vùng thùy nhỏ, phiến của tràng dài gần bằng ống tràng, lúc đầu màu trắng, sau khi nở một thời gian chuyển màu vàng, cùng một lúc trên cây có hoa mới nở màu trắng như bạc, lại có hoa nở đã lâu màu vàng như vàng cho nên có tên là Kim Ngân (kim là vàng, ngân là bạc); cây Kim Ngân xanh tốt vào mùa đông cho nên còn có tên là nhẫn đông có nghĩa là chịu đựng mùa đông, 4 nhị thòi dài cao hơn tràng; vòi khụy lại thòi dài cao hơn nhị, mùi thơm dễ chịu. Quả hình trứng dài chừng 5mm.

Phân bổ, thu hái và chế biến

Kim Ngân là một cây loại mọc hoang tại nhiều tỉnh vùng núi nước ta, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Một số nơi bắt đầu người ta trồng lấy hoa và cành lá làm thuốc.

Do cây Kim Ngân có lá xanh tốt quanh năm, đến tháng 4-5 lại cho hoa đẹp và thơm cho nên có thể trồng làm cảnh và lấy bóng mát.

Kim Ngân có thể trồng ở miền núi cũng như ở đồng bằng, Đất đai và khí hậu Hà Nội cũng thích hợp. Ta có thể trồng bằng dâm cành: cắt những cành bánh tẻ dài chừng 20-60cm, khoanh thành khoanh, chôn xuống dưới đất, để chừng đoạn sau cùng; vào thời kỳ đầu cần tưới đều. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3. Sau một năm có thể bắt đầu thu hoạch; thu hoạch lâu năm, càng về những năm sau càng nhiều hoa.

Nếu hái hoa, cần hái lúc hoa sắp nở hay khi hoa mới nở, màu còn trắng chưa chuyển vàng. Có thể hái hoa riêng, cành lá riêng nhưng có thể hái hoa kèm theo một ít cành lá, về nhà mới phân, chia cành lá riêng, hoa riêng.

Hoa hay cành lá hái về phơi hay sấy khô là dùng được. Không phải chế biến gì khác. Việc bảo quản hoa và cành lá Kim Ngân tương đối dễ vì ít bị mốc, mọt.

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng sinh: tác dụng kháng sinh được nhiều nhà nghiên cứu chú ý và chứng minh trong thực nghiệm.

Người ta thấy nước hoa Kim Ngân có tác dụng ức chế rất mạnh với tụ cầu khuẩn vi khuẩn thương hàn, trùng lỵ Shiga. Nước sắc có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác.

Công dụng và liều dùng

Kim Ngân là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân, dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, giang mai. Một số nơi nhân dân dùng pha nước uống thay chè.

Theo các tài liệu cổ: Kim Ngân vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, vào 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Có năng lực thanh nhiệt giải độc, dùng chữa sốt, mụn nhọt, tả lỵ, giang mai. Uống lâu nhẹ người tăng tuổi thọ. Nhưng những người tỳ vị hư hàn không có nhiệt độc không nên dùng.

Trên thực tế lâm sàng, Kim Ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Gần đây trên cơ sở thực nghiệm, Kim Ngân được mở rộng chữa có kết quả một số trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trường hợp dị ứng khác (Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Năng An, 1966)

Liều dùng: ngày dùng 4 đến 6g hoa hay 10 đến 12g cành dưới dạng thuốc sắc, hay thuốc cao hoặc rượu thuốc. Một số người nếu uống Kim Ngân bị ỉa lỏng thì giảm liều hoặc ngưng uống là hết.