Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá

Bình quân những tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 5,14% so với cùng kỳ. Trong đó, tháng 1 ghi nhận mức tăng cao nhất 1,86% so với tháng 12- 2019 và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI là nhóm thực phẩm, nhất là giá thịt heo. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực và đặt ra nhiều giải pháp nhưng trong tháng 5 giá heo hơi tiếp tục tăng cao. Đối với địa bàn tỉnh ta, giá heo hơi đạt mức trên 85.000 đồng/kg. Điều này, khiến giá thịt heo tại các chợ tiếp tục tăng từ 5.000- 15.000 đồng/kg tùy loại. Sự tăng mạnh trở lại của thịt heo trong tháng 5 đã đẩy chỉ số giá nhóm mặt hàng này tăng 5,61% so với tháng 4-2020 và tăng 72,89% so với cùng kỳ năm trước. Thịt heo tăng, một số mặt hàng thực phẩm chế biến, đóng gói từ thịt heo theo đó tăng lên.

Giảm giá bán thịt heo là một trong những ưu tiên trong việc giảm chỉ số CPI để kiềm chế lạm phát.

Cùng với đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân mua lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm dự trữ nên giá cả một số mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm, vật tư y tế, như: Gạo, mì tôm, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cũng tăng. Ngoài ra, chỉ số CPI những tháng vừa qua tăng còn ghi nhận sự tăng giá của một số nguyên vật liệu bảo dưỡng nhà ở, như: Cát xây dựng, xi măng, sơn…

CPI tăng cao tác động đến phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh và đời sống nhân dân. Trong quý I, các nhà quản lý lo ngại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa, từ đó dễ xảy ra tình trạng mất cân đối “cung - cầu”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản nước ta đã khống chế thành công dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, giao thương được khôi phục. Song tình hình kinh tế được nhận định còn khó khăn và tạo sức ép không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành giá cả. Trên cơ sở thực hiện Thông báo số 178/TB-VPCP ngày 12-5-2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá.

Theo đó, ngoài việc yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả và đúng quy định các nội dung liên quan đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 178, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung theo dõi sát diễn biến “cung - cầu” thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai đó là khẩn trương rà soát, thực hiện ngay việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi khi có đủ điều kiện theo quy định để tạo tâm lý tốt cho hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho người sản xuất trên địa bàn tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường để sớm đưa giá heo hơi về mức 60.000 đồng/kg. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận khẩn trương thực hiện các giải pháp liên quan đến ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID- 19 có nhu cầu về vốn để tổ chức tái đàn heo.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt heo. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ nguồn thịt heo nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán thịt heo của các thương nhân và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; thực hiện các biện pháp kê khai giá khẩu trang, nước sát khuẩn tay, hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân trong giai đoạn chống dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách điều hành, quản lý giá của Nhà nước để tránh lạm phát, ngăn chặn các đối tượng tích trữ hàng hóa quá nhu cầu cần thiết gây khan hiếm giả trên thị trường.

Với những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cụ thể, thiết thực, sát với tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, tin rằng tỉnh ta sẽ làm tốt công tác quản lý, điều hành giá cả ổn định kinh tế - xã hội, cùng với các địa phương trong cả nước hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra trong năm nay.