Được mùa nhưng mất giá
Đến thôn Thành Sơn, vùng trồng nho lớn nhất của xã Xuân Hải, có thể thấy rõ tình trạng nông dân bị thiệt vụ nho do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian nói trên. Nho xanh NH 0148 trồng ở đây mỗi năm chỉ làm 1 vụ đông- xuân (chính vụ), vốn nức tiếng về chất lượng trái chắc, ngọt khó chỗ nào sánh bằng. Mọi năm cứ vào mùa thu hoạch, với năng suất trên và với giá bán bình quân 30 ngàn đồng/kg, trừ chi phí nông dân trồng nho xanh lãi khoảng 80-90 triệu đồng/sào. Thế nhưng mùa vụ năm nay không lặp lại, nho giảm giá chỉ còn 20 ngàn đồng/kg đã khiến người trồng nho lao đao. Theo anh Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, thực hiện giãn cách xã hội phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 dẫn tới 2 nguyên nhân làm giảm giá nho, một là xe vận tải ngưng hoạt động (kể cả xe lửa) nên không chuyên chở được hàng đến các thị trường ngoài tỉnh tiêu thụ, hai là xe đò và xe du lịch ngưng hoạt động nên cũng không chở hành khách hoặc khách du lịch đến mua nho tại địa phương. Nho không tiêu thụ được đã giảm giá, gây thiệt hại không chỉ cho nông dân mà cả các tư thương.
Nho xanh NH-0148 trồng ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải).
Chị Phan Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn, cũng là người trồng nho địa phương, cho hay có tư thương vì không tiêu thụ được, đã bỏ luôn không lấy nho mua, chịu mất tiền đặt cọc trước cho nhà vườn. Đơn cử trường hợp ông Mang Quang có 4 sào nho, có sản lượng nho định giá 320 triệu đồng, cơ sở thu mua Sanh Diễm đặt cọc trước 100 triệu đồng khi nho ra trái vừa được 2,5 tháng, theo thỏa thuận sẽ giao đủ tiền khi cắt lứa nho thu hoạch đầu, nhưng rồi vì không tiêu thụ được nên cơ sở đành phải bỏ luôn nho và số tiền trên. Ông Nguyễn Thành Đạo, có 1,1 ha nho đạt sản lượng khoảng 33 tấn, rao giá bán 1 tỷ đồng có làm hợp đồng kinh tế cụ thể, bớt 220 triệu đồng cho tư thương do vận chuyển khó khăn, nhưng rồi tư thương cũng chấp nhận chịu mất tiền đặt cọc chứ không dám “phiêu lưu” mua hết sản lượng nho. Theo chị Hương, nhìn vào sẽ ngỡ tư thương chịu thiệt, song thực tế họ có cách bù lại khi mua nho các vườn khác đợi giá lên, chính nông dân mới luôn chịu thiệt, nhất là các hộ trồng nhỏ từ 1-2 sào, cứ 100 triệu đồng bán ra thì chịu lỗ 10-20 triệu đồng.
Tự đầu tư tái sản xuất
“Trước khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, 99% nông dân Thành Sơn trúng nho phải đối đầu với nguy hại của dịch bệnh cây trồng, nho trái đều bị nấm xám (sương muối) nên phải mua phân thuốc điều trị”- anh Lê Văn Bình, Trưởng thôn Thành Sơn, có trồng 2 sào nho, chia sẻ. Theo nhiều người trồng nho, trong nửa tháng liền họ phải xịt thuốc với phí tổn 1,5 triệu đồng/sào, chưa kể công cán. Diệt được nấm xám thì gặp lúc cả nước, cả tỉnh thực hiện cách ly toàn xã hội, đó cũng là thời điểm nhiều giàn nho chín ở Xuân Hải mỏi mắt đợi tư thương đến thu mua. Do nho không tiêu thụ được, có giàn không hái kịp nên làm nho chín mềm trái phải cắt bỏ, hệ quả là có khoảng 30% hộ trồng nho địa phương không lấy lại được vốn, trong số này có hộ mất trắng vì phải cắt bỏ nguyên giàn. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội thì vụ đông-xuân kết thúc, nghĩa là mùa nho cũng đã hết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: “Các vườn nho bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra vừa qua không nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước, toàn bộ nông dân địa phương phải tự thân khắc phục nên gặp không ít khó khăn về vốn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tỉnh ta thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép các phương tiện vận tải hoạt động trở lại, nông dân Xuân Hải, cụ thể là nông dân thôn Thành Sơn đang tiếp tục đầu tư chăm sóc cho vụ nho kế tiếp. Bà con trồng nho đã chủ động cùng nhau tương trợ vượt khó nhưng mong có sự quan tâm thêm của nhà nước. Theo đó, bà con kiến nghị tỉnh, huyện, các ngành chức năng tác động giảm lãi suất vay ngân hàng và tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, phát triển diện tích nho trồng nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Bạch Thương