Hiến máu cứu người - quà tặng vô giá cho sự sống
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu máu và chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị bệnh ngày càng tăng cao trên toàn thế giới. Máu vô cùng quan trọng để cấp cứu và điều trị cho các trường hợp bị thương trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, tai nạn, xung đột vũ trang…; Đồng thời cũng là nguồn sống thiết yếu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhờ có máu và chế phẩm máu mà nhiều người bệnh thoát khỏi hiểm nguy, cải thiện chất lượng cuộc sống; nhiều ca phẫu thuật, nhiều kỹ thuật y học phức tạp như ghép tạng, ghép tủy cũng có thể được triển khai thành công.
Tuy nhiên, việc cung cấp và sử dụng máu an toàn vẫn chưa được đồng đều ở các quốc gia. Nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn người hiến máu cũng như thiếu các trang thiết bị sàng lọc máu. Theo WHO, 42% trong tổng số 118 triệu đơn vị máu thu được trên toàn thế giới là từ các nước thu nhập cao - nơi chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu. Vẫn còn đến 58 quốc gia chỉ đạt tỷ lệ hiến máu tình nguyện dưới 50%, nguồn máu phục vụ điều trị phụ thuộc vào người hiến máu nhận tiền hoặc người nhà hiến máu. Ở các nước thu nhập thấp, có đến 52% lượng máu sử dụng là cho trẻ em dưới 5 tuổi; trong khi đó, ở các nước thu nhập cao, 75% lượng máu được sử dụng truyền cho người bệnh trên 65 tuổi.
Với thông điệp “Hiến máu thường xuyên vì một thế giới khỏe mạnh hơn”, Ngày Quốc tế người hiến máu 2020 nhấn mạnh sự đóng góp của mỗi cá nhân, nhằm giúp đem lại sự sống cho người khác, nhờ đó góp phần cải thiện sức khỏe của cả cộng đồng; để người dân trên toàn thế giới được hưởng sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ truyền máu - công bằng trong cả số lượng và chất lượng ở mọi thời điểm, mọi khu vực địa lý.
Nhân dịp này, WHO cũng kêu gọi Chính phủ, ngành y tế và dịch vụ truyền máu của các quốc gia đảm bảo đủ nguồn lực, cơ sở vật chất để nâng cao năng lực tiếp nhận máu, chất lượng chăm sóc người hiến máu, hiệu quả sử dụng máu hợp lý, thiết lập hệ thống cảnh báo và giám sát hoạt động truyền máu.
Nhân lên những tấm lòng nhân đạo và nghĩa cử cao đẹp
Hiến máu cứu người không phải là một hành động xa lạ đối với mỗi người, bởi đã có rất nhiều các chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức thường niên tại Việt Nam nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Thực tế, hiến máu ngoài việc cứu sống tính mạng con người còn mang lại sức khỏe cho chính người hiến máu, bởi người tham gia hiến máu được thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí để đảm bảo đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu…
Thực tế cũng cho thấy là, "hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc nhân đôi", "nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa", cho nên, mỗi một giọt máu được chia sẻ của mỗi người sẽ mang theo một thông điệp nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp từ trái tim ta đến với trái tim mọi người, làm cho cuộc sống của mỗi người trong cộng đồng thêm ý nghĩa hơn.
Trong nhiều năm qua, hiến máu tình nguyện và phong trào hiến những giọt máu hồng với thông điệp: “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, “Hiến máu cứu người, xin đừng thờ ơ”, “Hiến máu cho bạn, hiến máu cho tôi”…; với nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn được tổ chức với quy mô lớn: Chiến dịch vận động hiến máu dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, Chương trình Chủ nhật Đỏ, Chiến dịch "Những giọt máu hồng hè” và Hành trình Đỏ, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), Ngày Quốc tế người hiến máu (14-6) … đã được các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng rộng rãi. Mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã hình thành và từng bước hoàn thiện, với 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 85% số xã, phường có Ban Chỉ đạo.
Nếu năm 2000, cả nước chỉ tiếp nhận được hơn 300.000 đơn vị máu; năm 2010, số đơn vị máu tiếp nhận đã gấp hơn hai lần (hơn 600.000 đơn vị) thì đến năm 2019, toàn quốc đã tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%, tỷ lệ đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt trên 44%.
Đóng góp vào kết quả chung đó của phong trào hiến máu tình nguyện là 100 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh năm nay đến từ 63 tỉnh/thành phố và các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều người đã hiến máu từ 60, 70 lần trở lên như bà Trần Thị Mai (Khánh Hòa, hiến máu 95 lần), ông Trần Nam Quân (Kiên Giang, hiến máu 70 lần), ông Trần Văn Can (Tây Ninh, hiến máu 62 lần), ông Trần Quốc Chánh (An Giang, hiến máu 60 lần) và các đại biểu đều đến từ Thành phố Hồ Chí Minh: ông Đặng Thanh Phương (hiến máu 71 lần), ông Nguyễn Bá Học (hiến máu 70 lần), ông Nguyễn Văn Tú (hiến máu 64 lần), ông Nguyễn Minh Hải (hiến máu 61 lần)…; là đại diện những người hiến máu nhóm máu hiếm, đó là bà Nguyễn Thị Hạnh-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm miền Bắc, hiến nhóm máu hiếm B Rh(D) 19 lần; bà Lưu Ngọc Dung (Thành phố Hồ Chí Minh, hiến nhóm máu hiếm AB Rh(D) 39 lần...
Bên cạnh các hoạt động tôn vinh, Ngày Quốc tế người hiến máu cũng là cao điểm diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch Những giọt máu hồng-hè 2020. Trong đó, chương trình Hành trình Đỏ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra từ ngày 6-6 đến 8-8, dự kiến tiếp nhận 80.000 đơn vị máu. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, 42 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hành trình đầy ý nghĩa này.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, qua 7 năm, đã có 50 tỉnh, thành phố tham gia tổ chức Hành trình Đỏ và vận động, tiếp nhận được hơn 250.000 đơn vị máu. Theo ông Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống toàn thế giới nói chung và dịch vụ truyền máu nói riêng. Khi dịch còn diễn biến phức tạp thì máu tiếp nhận vẫn không thể đủ cho điều trị; ngay tại thời điểm hiện tại, nhiều nước phát triển vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm máu. Chỉ có nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên mới có thể giúp dịch vụ truyền máu các nước vượt qua được những nguy cơ, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Ở Việt Nam, thành công của Hành trình Đỏ những năm gần đây đã minh chứng cho một giải pháp hữu hiệu để duy trì nguồn người hiến máu an toàn, ổn định và hướng đến sự bền vững của phong trào Hiến máu tình nguyện.
Theo TTXVN