Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày (ngày 9 và 10-8-2020) với yêu cầu đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và là một trong các căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hoá học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Nội dung thi (đề thi) nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Điểm mới trong tổ chức Kỳ thi năm nay là: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi tại địa phương. Thời gian tổ chức thi trong 2 ngày (ngày 9 và 10-8-2020). Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ và Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã phát biểu báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tại địa phương và đề xuất nhiều ý kiến nhằm đảm bảo Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, tóm tắt nội dung đại biểu thảo luận, góp ý. Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT các địa phương gấp rút tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi cấp tỉnh và xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên; chỉ đạo việc dạy và học, hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020 trước ngày 15-7 và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị chu đáo các điều kiện (cơ sở vật chất, tập huấn công tác thi…); tổ chức các khâu của Kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy trình. Đối với công tác truyền thông, đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí địa phương cung cấp thông tin, tuyên truyền về Kỳ thi trung thực, đầy đủ, tạo sự đồng thuận xã hội.
Lâm Anh