Trong tháng 3-2010, do Công ty CP Mía đường Phan Rang (Công ty Mía) chậm thu mua mía nên ít nhiều gây bức xúc cho nông dân. Tuy nhiên, hiện tỉnh đã có giải pháp thích hợp để giải quyết tình trạng, giảm dần sự căng thẳng trong việc mua – bán của vụ mía năm nay.
Ông Lê Đình Thắng ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn thu hoạch 5ha mía
đạt sản lượng 90 tấn/ha. Ảnh: Văn Miên
Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích mía trong toàn tỉnh là 1.443 ha, đến nay có 1.190 ha đang thu hoạch với năng suất bình quân 55 tấn/ha. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Quản lý Nông nghiệp (Sở NN-PTNT) cho biết, nhờ đưa vào trồng giống mới, thêm nữa thời tiết năm 2010 khá thuận lợi nên cây mía phát triển tốt, sản lượng tăng 20-30%. Nhưng chính vì tăng năng suất như vậy nên ngoài dự kiến của Công ty Mía làm cho việc thu mua mía gặp nhiều khó khăn. Trong quý I, Công ty Mía đã thu mua 69.509 tấn mía cây nhưng vẫn không giải quyết kịp thời nhu cầu bán mía của bà con nông dân, do vậy Công ty phải nâng công suất ép của nhà máy từ 700 tấn mía/ngày lên 850-900 tấn mía/ngày. Theo khảo sát sơ bộ của Công ty Mía, dự kiến sản lượng mía chưa thu hoạch khoảng trên 34.000 tấn, trong đó riêng xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) còn gần 20.000 tấn. Thực tế lượng mía chưa thu hoạch có thể còn lớn hơn.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình thu mua mía trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Tấn, Giám đốc Công ty Mía cho biết, công suất của nhà máy có hạn trong khi sản lượng thu hoạch mía gia tăng nên công ty rất khó khăn khi thu mua. Trong tháng 3 vừa qua, dù Công ty đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu bán mía của nông dân. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nay đến cuối tháng 4-2011, Công ty Mía sẽ thu mua hết mía của nông dân, tập trung chủ yếu ở Quảng Sơn, Hòa Sơn. Đối với các vùng trồng mía khác chưa đến nỗi bức xúc, Công ty vận động nông dân chậm thu hoạch, việc thu mua sẽ giãn ra và dứt điểm vào khoảng giữa tháng 5. Mặt khác sẽ tạo điều kiện cho nông dân bán mía cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua. Rút kinh nghiệm của vụ mía năm nay, Công ty Mía đã có kế hoạch nâng công suất nhà máy lên 1.500 tấn mía/ngày.
Lời giải nào cho bài toán tương xứng giữa phát triển vùng nguyên liệu mía với chế biến sản phẩm? Ông Nguyễn Tin cho rằng: “Dù Quảng Sơn, Hòa Sơn có diện tích mía lớn nhưng đều phụ thuộc nước trời nên sẽ không bền vững. Về lâu dài, vùng nguyên liệu mía nên chuyển dần sang Bác Ái, nơi có nguồn nước tưới dồi dào, có thể trồng rải vụ, thu hoạch nhiều thời điểm khác nhau trong năm, có lợi cho nhà máy hoạt động, vừa tránh lặp lại tình trạng như vụ mía vừa qua”. Theo chúng tôi, việc Công ty Mía nâng công suất nhà máy chỉ là giải pháp tình thế, căn cơ là phải xây dựng được nhà máy hoặc phân xưởng ép mía ngay trên vùng nguyên liệu…
Bạch Thương