Báo cáo tại hội thảo cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến kinh tế Việt Nam, các cơ hội đan xen thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế.
Nổi bật nhất trong quá trình này là tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, năm 2009 là hơn 42% GDP.
Tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 6,3%, năm 2009 đạt 5,3%- một con số tương đối cao hơn so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, mức độ mở cửa cũng cao hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO; các điều kiện ưu đãi trong các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và khu vực cũng được hợp lý và mở rộng, tạo điều kiện quan trọng thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Việc gia nhập WTO cũng tác động tích cực đến việc hoàn thiện khung pháp lý: môi trường kinh doanh và cạnh tranh minh bạch, đơn giản hóa; các loại thị trường được mở cửa, đặc biệt là thị trường dịch vụ bảo hiểm.
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng tác động mạnh mẽ đến lao động và việc làm trong 3 năm qua, chưa đúng như mong đợi.
Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước có xu hướng tăng, đạt mức 2,91% năm 2009. Mức độ mở cửa thị trường trong nước cao hơn nhưng chưa đúng mức, cụ thể là sự gia tăng nhập khẩu và nhập siêu.
Nói về bài học kinh nghiệm của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO, TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bài học đầu tiên sau 3 năm hội nhập là kinh tế sẽ phát triển mạnh nếu kết hợp cải cách trong nước và đánh giá đúng vị thế của mình. Thứ hai chúng ta nhận ra giá trị, vị thế, điểm yếu, mạnh của nước ta. Và đó là bài học hội nhập thương mại, hàng hóa dịch vụ, là câu chuyện di chuyển vùng vốn, phản ứng chính sách, lựa chọn đối tác, mức độ mở cửa lựa chọn cam kết.
Nguồn Báo điện tử Đài TNVN