Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, cùng với việc giữ nguyên hình thức chấm chéo bài tự luận giữa các địa phương để bảo đảm khách quan, công bằng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh sẽ xử lý thật nghiêm đối với những bài làm vi phạm quy chế hoặc cán bộ không thực hiện đúng quy chế chấm thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.
Để tránh để xảy ra sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi Hội đồng chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính. Đồng thời, phải bố trí đủ giám khảo chấm thi tự luận (bình quân 1 giám khảo chấm 75 - 100 bài/ngày) để chấm đúng tiến độ đề ra.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, do thực hiện chấm chéo bài thi tự luận nên các đơn vị có thể điều động làm giám khảo những giáo viên có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng; người giám hộ hoặc đỡ đầu; người được giám hộ hoặc được đỡ đầu dự kỳ thi.
Riêng đối với môn Lịch sử và Địa lý, có thể điều động làm giám khảo những giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu các trường phổ thông của tỉnh đã dạy các môn thi này ở cấp THPT ít nhất 2 năm.
Trong thời gian tới, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ công bố bảng phân công chấm chéo bài thi tự luận kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 để các đơn vị tham gia ý kiến, làm cơ sở cho việc phân công chấm chéo bài thi tự luận.
* Bộ GD-ĐT cũng vừa đưa ra 10 lưu ý đối với việc làm bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT năm nay, như sau:
1. Theo đó, thí sinh cần lưu ý, đề thi vừa mới nhận từ giám thị phải để dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), không được đọc. Khi tất cả thí sinh trong phòng thi đều đã nhận được đề thi, được sự cho phép của giám thị, thí sinh bắt đầu đọc đề thi.
2. Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo: đề thi có đủ số trang, số lượng câu trắc nghiệm; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu phát hiện những chi tiết bất thường trong đề thi, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý. Thí sinh sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu không phát hiện hoặc để gần cuối buổi thi mới báo cáo.
3. Ghi tên và số báo danh của mình vào vị trí tương ứng trong đề thi, xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu TLTN); sau đó, dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.
4. Theo yêu cầu của giám thị, tự ghi mã đề thi của mình vào 2 phiếu thu bài thi. Lưu ý, tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài khi chưa nộp bài.
5. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi.
6. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu TLTN bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu TLTN. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
7. Phải giữ phiếu TLTN phẳng, không được gập và làm bẩn.
8. Làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
9. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt úp phiếu TLTN trên đề thi; chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, phải ký tên vào phiếu thu bài thi.
10. Chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép ra về.
Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn, nhưng chưa đến thời điểm tính giờ làm bài thì giám thị lập biên bản và cho thí sinh dự thi; tất cả các trường hợp đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài đều không được dự thi.
Nguồn Báo SGGP