Điều này đã đáp ứng phần nào mong mỏi của nhà trường muốn có kết quả kiểm định chất lượng nhanh chóng, kịp thời để cải tiến công tác quản lý và nâng cao CLGD, cũng như minh bạch chất lượng của các cơ sở giáo dục cho xã hội.
Những cách thức đánh giá, quản lý “tự sáng tạo”
Theo thống kê của ThS. Hồ Sỹ Anh - ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, không ít địa phương, trường học đã đề ra những cách thức đánh giá và quản lý hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD).
Từ năm 2006, Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) đã bắt đầu công bố nhiều số liệu thống kê về kết quả kì thi ĐH, CĐ và kì thi tốt nghiệp THPT của học sinh. Việc xếp hạng các trường THPT của Việt Nam dựa trên bảng xếp hạng này đã được các cấp quản lý giáo dục, các trường học tham khảo, so sánh, đối chiếu thứ hạng hàng năm để biết chất lượng học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.
Sở GD&ĐT Hà Nội và TP.HCM cũng đã tiến hành kiểm định CLGD ở các cấp học và có những bảng "xếp hạng" riêng theo bộ tiêu chuẩn của địa phương đặt ra, nhằm đánh giá chất lượng cũng như xem xét thi đua hàng năm.
Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng một hệ thống các tiêu chí được lượng hóa với tổng điểm 1.000 được chia làm hai phần: 600 điểm về các điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức quản lý nhà trường, đội ngũ cán bộ giáo viên, quan hệ nhà trường - xã hội và 400 điểm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Sở GD&ĐT Quảng Trị thì đưa ra cách đánh giá xếp hạng của các trường dựa vào kết quả của 4 kỳ thi: Thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp, tuyển sinh, thi thể dục thể thao, văn nghệ. Các bảng xếp hạng này là những con số tham khảo có giá trị cho việc đánh giá CLGD và thi đua hàng năm.
Trên cơ sở dữ liệu do một số Sở GD&ĐT và Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cung cấp, Viện nghiên cứu GD trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu, để biết được một học sinh học THCS, THPT ở trường nào, dự thi vào trường ĐH, CĐ nào, đạt bao nhiêu điểm. ThS. Hồ Sỹ Anh cho rằng, nếu hệ thống phần mềm của Viện NCGD được thu thập và xử lý cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc sẽ có một nguồn dữ liệu quý và là cơ sở để hoạch định công tác phân luồng sau THCS, THPT.
Ngoài công tác kiểm định/kiểm toán CLGD (tổ chức kiểm định của Nhà nước hoặc tư nhân), nhiều nước đã xây dựng các hệ thống kiểm tra, đánh giá các kỹ năng của HSSV các trường phổ thông như Hoa Kỳ, các nước châu Âu và Australia. Có thể nói đến chương trình đánh giá đối với học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), một hệ thống đánh giá quốc tế tập trung vào khả năng đọc, kỹ năng toán và khoa học của học sinh. Chương trình này chú trọng các kỹ năng của học sinh ở lứa tuổi 15. Đây cũng chính là chương trình được Bộ GD&ĐT quyết định chọn tham gia đánh giá quốc tế cho học sinh phổ thông vào năm 2012.
Hoặc cuộc thi quốc tế và đánh giá trường học-ICAS được triển khai bởi UNSW Global Pty Limited, một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo và dịch vụ tư vấn, đồng thời là một doanh nghiệp thuộc trường Đại học New South Wales. Với việc cung cấp các bài kiểm tra, đánh giá hàng năm cho các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Viết và kỹ năng máy tính; cung cấp thông tin chi tiết về mỗi học sinh/lớp học/trường tham gia chương trình, chương trình giúp cho giáo viên lẫn cán bộ quản lý biết được sự tiến bộ của học sinh, so sánh với các trường trong địa phương và cả nước.
Đề xuất cách đánh giá hợp lý
Xây dựng giải pháp đánh giá, xếp hạng chất lượng đầu ra của học sinh phổ thông, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã đặt ra các tiêu chí: đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, phẩm chất, năng lực công dân. Trong đó, tiêu chí đạo đức được đo bằng các tiêu chuẩn: xếp loại hạnh kiểm; thái độ học tập, thái độ đối với thầy cô, bạn bè, tình yêu đối với gia đình quê hương, trân trọng tuyền thống dân tộc và được đánh giá dựa vào kết quả rèn luyện và thu thập từ phiếu hỏi.
Mô hình giải pháp QL CLGD PT, do một trường ĐHSP duy trì và phát triển - Theo ĐHSP HCM
Tiêu chí tri thức sẽ thu thập trên kết quả của các kỳ thi với các tiêu chuẩn đo cụ thể như: Chất lượng, hiệu quả học sinh giỏi; tỷ lệ tốt nghiệp, tốt nghiệp giỏi và bình quân tổng điểm tuyển sinh.
Tiêu chí sức khỏe sẽ được thu thập từ kết quả thi, từ khảo sát bằng phiếu hỏi với các tiêu chuẩn đo: Phong trào thể dục thể thao; điều kiện CSVC; giáo viên thể dục thể thao và kết quả giải thi đấu.
Cuối cùng, tiêu chí thẩm mỹ với tiêu chuẩn đo là năng lực cảm nhận cái đẹp và tiêu chí phẩm chất, năng lực công dân (kỹ năng sống) với tiêu chuẩn đo là kỹ năng là phương pháp học tập (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác...).
Trường ĐHSP HCM cũng đưa ra hệ thống quản lý, đánh giá CLGD phổ thông được xây dựng theo quan điểm đánh giá hướng đến quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và lượng hóa các tiêu chí. Hệ thống này thu nhận dữ liệu từ phiếu điều tra, phiếu và lấy dữ liệu từ các hệ thống khác như quản lý học sinh, thi tuyển sinh, tốt nghiệp, học sinh giỏi và đó là một một hệ thống mở có thể điều chỉnh, bổ sung dễ dàng. Hệ thống này phải do một trường ĐH có đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia am hiểu về chương trình và kiểm định CLGD phổ thông duy trì và phát triển.
Theo đánh giá của ThS. Hồ Sỹ Anh, hiệu quả mang lại của hệ thống trên sẽ giúp đổi mới công tác quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay, góp phần công khai chất lượng giáo dục cho cộng đồng. Đồng thời, tiết kiệm được ngân sách cũng như công sức rất lớn (nhờ việc thu nhận dữ liệu từ các trường, không phải mất công nhập liệu, phát huy hiệu quả của các kỳ thi); cải tiến và nâng cao CLGD...
Nguồn Báo GD&TĐ