Nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng gần 13.500 trẻ em tảo hôn, trong đó chủ yếu là trẻ em dân tộc thiểu số.
"Trẻ em nữ 14 - 15 tuổi phải làm vợ, làm mẹ dẫn đến hậu quả tiêu cực với bản thân trẻ và ảnh hưởng đến chất lượng của dân số Việt Nam. Điều đáng nói, những trường hợp tảo hôn hầu như đều có sự đồng ý của cha mẹ, hàng xóm...", đại biểu Vương Ngọc Hà nêu thực trạng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bên cạnh tình trạng tảo hôn, đại biểu Vương Ngọc Hà bày tỏ bức xúc trước tình trạng mua bán trẻ em nữ đang gây nhức nhối ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Các đối tượng lợi dụng trẻ em nữ còn thiếu kỹ năng sống, sử dụng mạng xã hội để làm quen, giả đặt vấn đề yêu đương rồi rủ đi du lịch, cho uống thuốc mê hoặc lợi dụng đường mòn vắng vẻ để bán các em qua biên giới”, đại biểu Vương Ngọc Hà cho biết.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng cần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nêu rõ những khó khăn, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng của các trường tiểu học, trung học cơ sở bán trú ở các tỉnh miền núi chưa đồng bộ ở tất cả các địa bàn; một số nơi thiếu nước sinh hoạt, thiếu công trình phụ trợ, thiếu trang thiết bị sinh hoạt hằng ngày. Cá biệt một số nơi địa hình tự nhiên không thuận lợi, địa điểm xây dựng trường cheo leo, hiểm trở, tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em.
Với các em học sinh bán trú, điều kiện đưa đón không đảm bảo, trong khi thể chất và trí tuệ còn non nớt, hạn chế về hiểu biết kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em, thiếu kỹ năng phát hiện nguy cơ bị gây hại, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân trước những hành vi xâm hại nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ để xâm hại hoặc bắt cóc.
Trên thực tế, phần lớn các học sinh miền núi không được sống gần cha mẹ do cha mẹ ly hương đi lao động, làm thuê ngoài địa bàn… Nhiều cha mẹ phó mặc con cái cho các thầy, cô hoặc ôn, bà chăm sóc nên còn hạn chế trong việc nắm bắt tâm lý vướng mắc trong học tập, lệch chuẩn trong sinh hoạt hằng ngày của các em. Trong khi đó, việc sử dụng điện thoại khiến trẻ dễ nhiễm các vấn đề lệch chuẩn trên mạng xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Lê Thu Hà phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Lê Thu Hà đề xuất, cần xây dựng quy chuẩn riêng cho các trường nội trú bán trú, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an toàn trước các em học sinh sống xa gia đình. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên tập trung nguồn lực đầu tư để các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được học tập, sinh hoạt an toàn; có cơ hội phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thu Hà mong muốn có sự đổi mới, sáng tạo các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, phù hợp với tâm sinh lý học sinh, học sinh nội trú, bán trú miền núi.
Đồng thời, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị tăng cường kiến thức, kỹ năng của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục; thường xuyên phối hợp lực lượng biên phòng và công an trong công tác tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xâm hại trẻ em để các em biết và nâng cao tinh thần cảnh giác.
Đại biểu tỉnh Lào Cai đề xuất việc ưu tiên tăng cường nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội chăm sóc học sinh nội trú, bán trú; qua đó thống nhất cách thức chăm sóc, giáo dục và cơ chế quản lý học sinh trong và ngoài nhà trường; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo và quản lý việc đảm bảo an toàn cho học sinh bán trú nội trú trên địa bàn; phân rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức