Đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu
Thống nhất với Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát trình Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết, chủ thể và nạn nhân bạo lực học đường chính là trẻ em trong lứa tuổi vị thành niên. Cá biệt, có những vụ việc, hành vi mang tính hung hăng, sử dụng vũ khí, có nhiều người tham gia và phần lớn lại ủng hộ kẻ ức hiếp.
"Những người tham gia hô hào, cổ vũ, quay video vụ việc để lưu lại như một chiến tích, thành quả, thậm chí đăng trên các mạng xã hội để thể hiện “bản lĩnh”. Điều này thể hiện lối sống, nhận thức, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận trẻ em vị thành niên hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, trường học phải là nơi an toàn cho học sinh, tạo sự an tâm với phụ huynh, bởi đây là nơi trẻ tiếp thu tri thức và giáo dục văn minh. Tuy nhiên, vấn nạn bạo lực học đường đã tạo ra rào cản vô hình với mỗi học sinh khi đến trường và về nhà. Đặc biệt, nhiều vụ việc đánh nhau giữa các học sinh được đăng tải trên mạng xã hội đã tạo ra các tác động trái chiều.
“Nạn nhân thu mình còn “người chiến thắng” được đám đông tôn vinh, hô hào và ngày càng trở nên hung hăng để thể hiện bản lĩnh. Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ học sinh”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải phản ánh.
Xác định nguyên nhân bạo lực học đường, đại biểu tỉnh Tiền Giang nêu, hầu hết các vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn phát sinh trong trường học; đôi khi xuất phát một câu nói bâng quơ, một cái nhìn không thiện cảm hoặc những hành động, việc làm rất “vặt vãnh” và “nhỏ nhặt”.
Nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt thầy giáo, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, trước vấn nạn bạo lực học đường, đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng thầy cô phải sâu sát với học sinh, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn nhằm sớm ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường ngay từ khi còn là mầm mống.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thấy rằng cần xem xét lại vai trò của người đứng đầu trước vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương ban hành nhiều văn bản về phòng, chống bạo lực học đường như Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường với khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Minh Tuấn, các cơ sở giáo dục vẫn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Điều đáng nói, trước vấn nạn này, nhiều cơ sở giáo dục chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, thậm chí không báo cáo với nguyên nhân chính là sợ ảnh hưởng thành tích của đơn vị.
Trích dẫn tại mục 5 của báo cáo, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết: “Việc xử lý người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em là hết sức xác đáng. Chính vì do ngại quy trách nhiệm mà nhiều trường học đã không báo cáo kịp thời, đầy đủ các vụ bạo lực xảy ra”.
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt với trường hợp không báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác các vụ xâm hại, bạo lực xảy ra ngay trong đơn vị quản lý.
Chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường
Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu rõ, những vụ án xâm hại, bạo lực học đường xảy ra khiến trẻ chịu nhiều khổ sở, sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, nhiều tổn thương, thậm chí có em đã tự tử.
Dẫn chứng số liệu thống kê năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại biểu Châu Quỳnh Dao cho biết, Việt Nam xếp thứ 13 trong số 13 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên với tỷ lệ 1,8/100.000 người.
“Nếu như chúng ta thực hiện tốt, bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường chắc có lẽ con số này sẽ không quá đau buồn như vậy”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Kiên Giang nêu rõ, qua khảo sát của Vụ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 80% học sinh có những vấn đề thầm kín, bức xúc cần bày tỏ và cần có một không gian riêng tư trong nhà trường để nói ra, giải quyết những vấn đề này. Đến năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31 Hướng dẫn thực hiện công tác tâm lý học đường trong nhà trường phổ thông và có hiệu lực vào tháng 2/2018.
“Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc áp dụng Thông tư vào thực tiễn có những khó khăn do không có cán bộ chuyên trách, chỉ là cán bộ kiêm nhiệm nên còn hạn chế về trình độ, kỹ năng, phương pháp. Do đó, Thông tư vẫn chưa hiệu quả và hoạt động mang tính hình thức. Tương tự, các hoạt động khích lệ trẻ em phản ánh hành vi bạo lực, xâm hại trong trường học được tổ chức chưa nền nếp, còn hình thức, chưa hiệu quả”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Địa biểu Châu Quỳnh Dao chia sẻ: “Đây sẽ là một động thái, một động lực rất mạnh mẽ để có được đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường không chỉ là tư vấn tâm lý để phòng, chống vấn đề xâm hại bạo lực học đường mà còn tư vấn định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho phù hợp với xu thế mới”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức