Tăng cường hành động trong việc nâng cao Chỉ số PAPI 2020

Theo kết quả công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019, tỉnh Ninh Thuận đạt 43,26/80 điểm, giảm 2,16 điểm so với năm 2018; xếp vị thứ 37/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2018. Điều này cho thấy Chỉ số PAPI 2019 của tỉnh chưa đạt như mong muốn, kỳ vọng đề ra.

Qua phân tích, đánh giá có thể thấy rằng ở từng trục nội dung, tỉnh ta cũng có nhiều điểm đã được cải thiện và nâng cao tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại những hạn chế nhất định.

Đặc biệt ở Chỉ số Công khai, minh bạch, năm 2019 tỉnh đạt 5,3/10 điểm, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp cả nước. Nhìn nhận tổng quát cho thấy, kết quả năm 2019 thấp nhất qua các năm từ 2016 - 2018. Hay như ở Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân, kết quả năm 2019 của tỉnh chỉ đạt 4,49 điểm, xếp vị thứ 60/63 tỉnh, thành phố, đây là chỉ số nội dung thành phần giảm điểm nhiều nhất và thấp nhất qua các năm từ 2016-2018. Nguyên nhân giảm điểm là do người dân đánh giá mức độ tiếp xúc, tương tác giữa người dân và chính quyền ít hơn, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc ở cả hai cấp (thôn/tổ dân phố và UBND xã/phường) thấp hơn so với các năm trước, việc đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền của người dân được tiếp nhận cũng thấp hơn so với trước đây, thắc mắc của họ được giải quyết và trả lời chưa thỏa đáng... Một Chỉ số khác cũng còn nhiều hạn chế đó là Chỉ số Thủ tục hành chính công, kết quả năm 2019 của tỉnh đạt 7,3/10 điểm, xếp vị thứ 39/63 (giảm 0.23 điểm và giảm 22 bậc so với năm 2018) và thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước, điều này thể hiện mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ này giảm hơn trước; bên cạnh đó cũng thể hiện yếu tố năng lực thực hiện công việc của một số công chức cấp xã, phường chưa được cải thiện.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.

Ở Chỉ số Quản trị điện tử, theo đánh giá tỉnh Ninh Thuận là 1 trong 6 địa phương đạt điểm thấp nhất toàn quốc, đạt 2,22/10 điểm, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố. Điều này thể hiện mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công do chính quyền cung cấp, điều kiện sử dụng Internet của người dân, môi trường thiết yếu để người dân tham gia quản trị điện tử, khi muốn tiếp cận dịch vụ công điện tử để người dân tương tác với chính quyền không cao. Còn lại, ở một số Chỉ số khác như: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường không có biến động nhiều qua các năm, đặc biệt ở một số nội dung thuộc nhóm đạt điểm cao nhất cả nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là người dân cảm thấy chính quyền chưa nghiêm túc trong việc xử lý các vấn đề về môi trường, họ chưa hài lòng về cách xử lý sự cố môi trường, chưa thật sự tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn dân cư và người dân chưa hài lòng với chất lượng nguồn nước để sử dụng cho sinh hoạt. Hay như vẫn có người dân cho biết đôi lúc họ vẫn bị vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu và họ đánh giá mức độ nghiêm túc của chính quyền cấp tỉnh trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương giảm so với năm trước; hoặc người dân chưa thật sự hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục công đem lại cho con em họ khi đến trường và dịch vụ bảo hiểm y tế đem lại cho họ, người dân cảm thấy ít an toàn về điều kiện an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư so với trước đây…

Từ những tồn tại, hạn chế trên, qua phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí ở một số nơi khảo sát còn thấp, điều kiện kinh tế người dân tại một số địa phương còn nhiều khó khăn, nét phong tục tập quán riêng nên việc tiếp cận các thông tin đại chúng còn hạn chế. Ngoài ra công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền các chương trình, dự án, quy hoạch của địa phương... chưa phát huy hiệu quả ở các thôn, khu phố dẫn đến một số người dân khó tiếp cận được thông tin; một số các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở chưa hiểu rõ về chỉ số PAPI, chưa thật sự quan tâm chỉ đạo và coi trọng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, chưa tạo điều kiện để thành viên thanh tra nhân dân đủ niềm tin và mạnh dạn phản ánh những thiếu sót qua kết quả giám sát; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở có nơi còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao nên kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn tổ chức, cá nhân, để người dân còn phải đi lại nhiều lần; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân chưa thật sự khéo léo, hài hòa, chưa giải đáp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khúc mắc của người dân kịp thời, đầy đủ…

Việc công bố chỉ số PAPI 2019 cho các cấp chính quyền nhìn rõ hơn những mặt còn hạn chế, tồn tại, từ đó đưa ra những giải pháp để xây dựng nền hành chính phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, việc trước tiên là cần nâng cao nhận thức của từng cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của Chỉ số PAPI đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từ đó tăng cường hành động, tạo sự chuyển biến đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh thời gian đến. Bên cạnh đó phải luôn chú trọng tinh thần đổi mới, đưa việc thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI trở thành nhiệm vụ thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị; gắn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PAPI với công tác thi đua-khen thưởng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là phải chú trọng lắng nghe, đối thoại với người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho chính quyền cơ sở theo phương châm “tận tâm, tận tình, cầm tay chỉ việc”… từ đó mới cải thiện và nâng cao hơn nữa Chỉ số PAPI của tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.