Thực hiện Quyết định số 234/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 234/QĐ-TTg); 5 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền tỉnh cùng các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Nhờ đó, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em đã giảm đáng kể, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao.
Theo thống kê, số trẻ em từ 0-16 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 178.917 em (chiếm 25,48% dân số). Triển khai Quyết định số 234/2020/QĐ-TTg, trên cơ sở các văn bản hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; tổ chức triển khai lồng ghép nhiều nội dung trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, gia đình và xã hội đối với việc triển khai công tác phòng, chống TNTT trẻ em ở các sở, ngành và địa phương các cấp. Căn cứ Kế hoạch trên, các sở, ngành, địa phương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nhằm giảm thiểu TNTT trẻ em đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả. Phối hợp thực hiện lồng ghép, đa dạng hóa hình thức truyền thông đến từng địa bàn, đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tầm quan trọng trong vấn đề phòng, chống TNTT cho trẻ em.
Cần bảo vệ, nhắc nhở trẻ em phải cẩn trọng khi tắm biển để không xảy ra đuối nước. Ảnh: Văn Nỷ
Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về Luật Trẻ em và các văn bản có liên quan được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ quan truyền thông thực hiện bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho lực lượng đoàn viên, hội viên và nhân dân; xây dựng kế họach tổ chức thực hiện tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng đến các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội, môi trường.
Từ nguồn lực đầu tư của trung ương, địa phương và các mô hình xã hội hóa, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình an toàn cho trẻ. Điển hình như trong công tác xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được triển khai có hiệu quả. Cấp tỉnh mở 8 lớp Học kỳ trong quân đội, Học làm chiến sỹ công an với 640 em tham gia. Tỉnh đoàn tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ năng nhận diện và ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống đuối nước cho trẻ với gần 2.000 lượt người dân (người trực tiếp chăm sóc, làm việc với trẻ) và trẻ em tham gia; tổ chức các 142 buổi sinh hoạt, tọa đàm Lắng nghe trẻ em nói thu hút 32.361 thiếu nhi tham gia đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân; đã tổ chức dạy bơi cho 2.047 trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở để có kỷ năng trong phòng chống đuối nước… Các hoạt động được triển khai hiệu quả, tích cực, góp phần cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh, được nhân dân địa phương và xã hội ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống TNTT trẻ em. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5.275 trường hợp TNTT trẻ em, tử vong 94 trường hợp; riêng những tháng đầu năm 2020 ghi nhận 236 trường hợp TNTT trẻ em, trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Để thực hiện có hiệu quả về công tác phòng, chống TNTT trẻ em trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về công tác phòng, chống TNTT trẻ em. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước các cấp trong thực hiện công tác, phòng TNTT trẻ em; phân công, phân cấp rõ ràng, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác, phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, pháp luật, thông tin - truyền thông… Đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và thực hiện các quyền cơ bản; triển khai tốt các chủ trương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trẻ em trong tình hình mới; nâng cao nhận thức của người dân nhằm hạn chế mức thấp nhất về TNTT trẻ em. Triển khai nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống TNTT trẻ em đã phát huy hiệu quả... Qua đó xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Bình An