Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), sáng ngày 25-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu quốc hội; Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Uỷ viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phát biểu trực tuyến tại phiên thảo luận Luật Thanh niên.
Trước phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đa số các đại biểu đều thống nhất ý kiến về sự cần thiết ban hành Dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ chi phí hoà giải nào do ngân sách đảm nhận, chi phí nào do bên hoà giải chi trả. Các tiêu chuẩn cụ thể để được công nhận hoà giải viên, bổ sung điều khoản những điều cấm hoà giải viên không được làm; kéo dài nhiệm kỳ hoà giải viên từ 3 lên 5 năm; địa điểm hoà giải trong và ngoài toà án, cần có sự thoả thuận giữa 2 bên. Thoả thuận hoà giải thành không cần quyết định của toà án và phải công khai nội dung thoả thuận.
Giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng việc công nhận kết quả hoà giải của Toà án nhằm đảm bảo tính pháp lý, điều kiện thi hành cho bên thứ ba. Về tiêu chuẩn hoà giải viên, thời hạn bổ nhiệm hướng tới mục tiêu phục vụ Nhân dân nên phải có tiêu chí cụ thể. Nội dung thoả thuận phải giữ bí mật nhằm đảm bảo tính riêng tư cho bên tham gia hoà giải.
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những phân tích, đóng góp ý kiến làm rõ các nội dung của dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Các ý kiến này sẽ được Ban thư ký ghi nhận toàn bộ để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhằm hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.
Trong phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều hành của đồng chí Phùng Quốc Hiển và đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tại phiên tranh luận đa số các đại biểu đều đồng tình với chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhưng có 2 luồng ý kiến, một là kéo dài miễn thuế đến năm 2025, hai là làm mới hoặc bổ sung Nghị quyết 55. Trong đó, quy định chặt chẽ hơn về đối tượng được miễn thuế sử dụng đất, thu thuế đối với trường hợp bỏ hoang đất trên 12 tháng nhằm tránh trường hợp lãng phí. Tổng kiểm kê, đánh giá việc sử dụng đất của các tổ chức để đề ra chính sách phù hợp và thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế và phân phối nguồn lực phù hợp.
Tiếp đó, đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên sửa đổi. Các đại biểu nêu ý kiến cần làm rõ nội hàm nhân tài, khuyến khích các doanh nghiệp cùng nhà nước chủ động bồi dưỡng kỹ, kiến thức cho thanh niên. Tạo môi trường sinh thái và lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cụ thể hoá nội dung để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, cho rằng: Đối với chương II trách nhiệm của thanh niên đối với điều 12 với Tổ quốc, chúng ta cần phải thể chế chủ trương, đường lối của Đảng thông qua Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc có nói là còn là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và bây giờ còn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhưng điều 12 này liên quan đến bảo vệ Tổ quốc chưa rõ nội dung này nên ban soạn thảo phải đưa nội dung này vào dự thảo luật.
Các đồng chí chủ trì phiên thảo luận đánh giá cao ý kiến đóng góp của các Đại biểu vào Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên. Các ý kiến sẽ được Ban thư ký ghi nhận toàn bộ để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhằm hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.
Phan Bình