Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
với Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: V.M
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến nay lượng nước tại 21 hồ thủy lợi hiện còn 23,94 triệu m3, chiếm 12,31% so với dung tích thiết kế; lượng nước tại hồ Đơn Dương hiện còn 50,26 triệu m3/165 triệu m3; nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh xấp xỉ ở mực nước chết. Nắng hạn kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, ước tính trong vụ đông-xuân 2019-2020, toàn tỉnh có trên 7.873 ha đất canh tác phải ngừng sản xuất do thiếu nước; nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình nắng hạn kéo dài trên diện rộng và dự báo ngày càng khốc liệt trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ký quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán ở cấp độ 3 trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ trong công tác ứng phó; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: V.M
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và các văn bản của bộ, ngành trung ương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã gấp rút thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn, nguyên tắc ứng phó được tỉnh thực hiện đồng bộ với mục tiêu không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi. Theo đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; khuyến cáo người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn… Nhằm đảm bảo lâu dài trong công tác phòng, chống hạn, đồng chí mong muốn Bộ NN&PTNT quan tâm, hỗ trợ kinh phí cũng như tháo gỡ khó khăn đối với các công trình thủy lợi ứng phó hạn đang xây dựng tại tỉnh; nhất là dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, sớm điều chỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế đoạn kênh chính của dự án, làm cơ sở tổ chức giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm phát huy hiệu quả công trình; thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, với địa phương thường xuyên phải chịu tác động của hạn, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi được xem là giải pháp tối ưu, khắc phục triệt để tình trạng thiếu nước mùa hạn trên địa bàn tỉnh, Bộ NN&PTNT sớm đề xuất Chính phủ xem xét, có kế hoạch hỗ trợ tỉnh thực hiện việc liên thông các hồ chứa, trên cơ sở ổn định nguồn nước, tỉnh tập trung cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; ban hành cơ chế đặc thù, tạo điều kiện xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của tỉnh như nho, táo… Bên cạnh đó, lập kế hoạch nghiên cứu, định hướng các giải pháp trong hoạt động khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản…; đảm bảo phát huy hiết tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển.
Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo tỉnh, ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt; đồng thời, đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh với những giải pháp căn cơ, quyết liệt; qua đó, cơ bản đảm bảo đời sống của nhân dân trong mùa hạn. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục chủ động, tăng cường chỉ đạo ngành chức năng, địa phương liên tục cập nhật, nắm bắt diễn biến thời tiết; xây dựng kịch bản ứng phó hạn sát với tình hình thực tế hiện nay, thường xuyên tổ chức giao ban với đơn vị cấp nước, tập trung rà soát, cân đối hợp lý nguồn nước, quyết tâm không để một người dân nào thiếu nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc; tổ chức quy hoạch, cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, phát triển nông nhiệp công nghệ cao… Đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, do tính cấp bách của dự án, đồng chí đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh thực hiện các hạng mục chính, tuyến kênh dẫn; bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện đồng bộ công trình; rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đưa dự án đi vào hoạt động. Các kiến nghị của tỉnh đoàn sẽ tổng hợp, đề xuất Chính phủ, bộ, ngành liên quan có hướng giải quyết kịp thời.
Hồng Lâm