Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

tỉnh ta có 34 dân tộc thiểu số (đa số là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai), chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 124 thôn thuộc 37 xã, thị trấn của 6 huyện, thành phố.

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18-3-2011 “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” (Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg); UBND tỉnh có Kế hoạch triển khai thực hiện; sau đó, ban hành Quyết định số 1412/QĐ-UBND, ngày 19-7-2012 về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số 124 người. Hàng năm, UBND tỉnh đều có quyết định thay thế, bổ sung.

Nghệ nhân Đạt Thị Nam, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Chăm, tận tâm truyền dạy nghề
dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: S.N

Trong số 124 người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, dân tộc Raglai có 83 người, dân tộc Chăm 35 người, dân tộc Cơ Ho 3 người, dân tộc Nùng 2 người. Họ là những cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, già làng, trưởng dòng họ, chức sắc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức…, có uy tín đối với cộng đồng, được bà con ở các thôn bầu chọn. Bản thân và gia đình người có uy tín luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; có hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Hàng năm, người có uy tín ở các địa phương được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng; được tham quan, học tập trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc… Vào các dịp tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống của các dân tộc; lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều đi thăm và tặng quà cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua những lần gặp gỡ, trao đổi thân tình; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; an ninh trật tự ở địa phương; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thường xuyên thông qua vai trò của người có uy tín kết hợp với chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng dòng họ, đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, các tổ hòa giải, tộc họ tự quản… để phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; chủ động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có hiệu quả, xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực đưa con em đến trường, phòng chống các dịch bệnh, khắc phục nạn tảo hôn, giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu ở cơ sở (vụ việc được hòa giải thành đạt trên 80%); nâng cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động, để tạo niềm tin, an tâm, phấn khởi trong đồng bào các dân tộc; nhiều địa phương đã hướng dẫn trực tiếp bà con sản xuất; đồng thời, kết nối với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con, đây là việc làm có trách nhiệm, bà con rất phấn khởi. Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, khi có quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư, định canh…; trong đó có dự án xây dựng đường Cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động số hộ nằm trong vùng dự án được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thường xuyên, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Nhiều hộ gia đình lúc đầu do chưa hiểu, đã có những lời lẽ khá gay gắt, nhưng với vai trò và uy tín của mình cùng với kinh nghiệm hòa giải với thái độ bình tĩnh, giải thích có lý, có tình, người có uy tín đã thuyết phục được những hộ trước đó chưa đồng tình, đi đến sự đồng thuận cao; góp phần đưa dự án đường Cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh triển khai đúng tiến độ; nhiều địa phương được công nhận đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới…

Đến nay, có thể ghi nhận việc tranh thủ và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tình đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ngày càng vững chắc.